Quảng Trị:

Tồn đọng hơn 1.000 tấn cá khô, người dân “ngồi trên đống lửa”!

(Dân trí) - Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đang vào cuộc hỗ trợ người dân tại huyện Gio Linh hoàn thiện các thủ tục đủ điều kiện xuất khẩu đối với hơn 1.000 tấn cá khô còn tồn đọng tại địa phương này, do chưa đảm bảo đầy đủ các thủ tục về đăng ký thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 1/8, UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc tìm hướng xử lý hơn 1.000 tấn cá nục và cá cơm khô tồn đọng cho người dân tại huyện Gio Linh.

Được biết, đa số sản phẩm cá khô của người dân ở Quảng Trị chủ yếu được xuất qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tháng gần đây, hàng hoá của bà con không xuất khẩu được sang nước này.

Tồn đọng hơn 1.000 tấn cá khô, người dân “ngồi trên đống lửa”! - 1

Hàng ngàn tấn cá sấy khô của người dân bị tồn đọng không thể xuất khẩu.

Nguyên nhân bởi lâu nay người dân thu mua, chế biến sản phẩm theo hình thức thủ công rồi bán cho thương lái, không có bất kỳ công đoạn nào của việc đăng ký thương hiệu, lẫn việc kiểm tra, chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, khi cơ quan của nước nhập khẩu mặt hàng cá khô yêu cầu truy xuất nguồn gốc, về chứng nhận an toàn thực phẩm thì người dân đều lúng túng. Đây là lý do khiến hơn 1.000 tấn cá khô không thể xuất khẩu sang nước khác.

Việc Trung Quốc siết chặt khâu nhập khẩu đã gây ra nhiều hệ luỵ, hải sản ngư dân đánh bắt được nhưng không thể tiêu thụ hết, lượng hải sản tồn đọng tại các kho lạnh khiến chi phí bảo quản tăng, nhiều lao động địa phương bị ảnh hưởng…

Theo tìm hiểu, tại xã Gio Việt (huyện Gio Linh), Công ty TNHH MTV QT Bảo Trâm (thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt) là doanh nghiệp thu mua nguồn hàng lớn, mỗi năm xuất khẩu ra thị trường khoảng 1.000 tấn cá nục và cá cơm khô.

Bà Bùi Thị Lan – Phó Giám đốc Công ty QT Bảo Trâm cho biết, quy trình để tạo nên sản phẩm cá khô qua nhiều công đoạn: người dân đánh bắt ở biển về, thương lái thu mua rồi đưa vào lò hấp, sấy, phơi khô. Khi thành phẩm thì công ty đưa vào kho lạnh bảo quản; cuối cùng thương lái Trung Quốc về tận nơi mua hàng, xuất đi đường tiểu ngạch.

Tồn đọng hơn 1.000 tấn cá khô, người dân “ngồi trên đống lửa”! - 2

Cơ quan chức năng Quảng Trị đang vào cuộc hỗ trợ người dân.

Gần đây, khi cơ quan chức năng bên kia yêu cầu các giấy tờ về chứng nhận an toàn thực phẩm và một số cái nữa, thì mình không đáp ứng được, dẫn đến hàng hóa không xuất khẩu được.

Trước kia, cá tươi được ngư dân đánh bắt giá thu mua 13 nghìn đồng, thì nay chỉ còn 10 nghìn đồng.

Tương tự, doanh nghiệp tư nhân HS Chánh Phát (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) do anh Phan Văn Kiệm làm chủ, thuộc diện kinh doanh xuất khẩu mặt hàng cá nục và cá cơm khô vừa và nhỏ, hiện cũng tồn 90 tấn cá.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người dân, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền huyện Gio Linh phối hợp với các doanh nghiệp địa phương hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện xuất khẩu hàng. 

Theo ông Trần Ngọc Lân – Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Trị, để mặt hàng cá khô đủ điều kiện xuất khẩu, doanh nghiệp cần có giấy đăng ký chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Sau đó, mỗi lô hàng phải có chứng thư xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm và 1 số thủ tục khác.

“Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký cấp mã số mã vạch, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ 1 phần kinh phí xây dựng và công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở...”, ông Lân nói.

Đ. Đức