Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:
“Tôi xin nhận trách nhiệm về tình hình thiếu điện”
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận trách nhiệm về tình hình thiếu điện với Quốc hội, với cử tri. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, nếu chúng ta không thực hiện thị trường hóa về giá năng lượng thì không cách gì có thể đủ năng lượng cho quốc gia.
Thiếu điện do thiếu vốn
Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 22/11, với tư cách là thành viên Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch điện 6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận trách nhiệm về tình hình thiếu điện với Quốc hội, với cử tri.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (ảnh Việt Hưng)
Theo Phó Thủ tướng, nếu chúng ta thực hiện tốt các dự án trong quy hoạch điện 6 thì đã không thiếu điện. Quy hoạch điện 6 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tốc độ tăng trưởng 15 - 17%/năm phụ tải, ước tính khoảng 3.000 MW/năm với tổng số vốn đầu tư vào khoảng 6 tỷ USD mỗi năm bằng trên 10% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, để thiếu điện như hiện nay, Phó Thủ tướng đã chỉ ra 5 nguyên nhân. Thứ nhất là thiếu vốn, từ năm 2006 đến nay, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực dẫn đến việc huy động vốn cho các dự án hết sức khó khăn.
Tính đến hết năm 2010, dự kiến chỉ đạt khoảng 74% nguồn điện trong tổng sơ đồ 6. Vấn đề thứ hai là giải phóng mặt bằng, phần lớn các công trình nguồn và lưới điện đều vướng khâu này làm chậm tiến độ.
Nguyên nhân thứ ba xuất phát từ giá điện. Giá điện của Việt Nam hiện nay nếu quy ra USD sẽ là 5,2 cent/kWh, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 8,5 cent/kWh; Singapore là 13,5; Malaisia là 7,6; Indonesia là 8... Giá điện thấp làm cho việc huy động vốn kém hấp dẫn.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề cập đến những hạn chế từ năng lực của chủ đầu tư, các nhà thầu (kể cả một số nhà thầu nước ngoài) cũng như ý thức tiết kiệm và trình độ công nghệ của ta khi sử dụng điện còn rất lạc hậu chính là những yếu tố tiêu cực khiến cho tình trạng thiếu điện càng trầm trọng hơn.
Mong cử tri ủng hộ cho cơ chế giá điện
Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc các công trình đang thi công (ảnh minh họa)
Để giải quyết tình trạng thiếu điện, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết phải tập trung tháo gỡ vướng mắc các công trình đang thi công. Do mặt bằng giá trên thế giới biến động khiến tất cả các hợp đồng xây dựng và tổng thầu EPC trong nước cũng biến động theo, làm cho nhiều nhà thầu bỏ dự án.
Việc này dẫn đến phải đàm phán lại với nhà thầu, do đó nếu không có tập trung chỉ đạo thì các dự án này sẽ tiếp tục bị chậm, đặc biệt như mấy dự án ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Cẩm Phả, Sơn Động, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2...
Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế hấp dẫn để chúng ta thu hút được đầu tư, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… đáp ứng được nhu cầu về sử dụng điện.
Về tái cơ cấu ngành điện, dự kiến cuối năm nay Chính phủ sẽ ban hành giải pháp và sang năm sẽ đưa ra thị trường cạnh tranh về phát điện. Muốn vậy, sẽ phải tách các nhà máy điện ra khỏi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), chỉ để lại một số nhà máy điện chiến lược, còn phần truyền tải, phân phối thì vẫn do EVN đảm nhiệm ở giai đoạn đầu.
Lý do là nếu phần phân phối chúng ta tách ra sớm và trong khi chưa đưa giá điện lên mức thị trường thì không cách gì các công ty phân phối điện có thể bảo đảm được bán điện, cung cấp điện một cách ổn định.
Bởi vì tất cả các công ty đó sẽ bị lỗ cho nên bắt buộc thời gian đầu phải dùng các nhà máy thủy điện chiến lược để bảo đảm cho việc các công ty phân phối có thể duy trì được việc cung cấp điện.
Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ phải thực hiện theo cơ chế thị trường và mong các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước ủng hộ cho cơ chế giá điện này.
“Chúng ta đã mạnh dạn thực hiện cơ chế thị trường về giá xăng, dầu và đã bước đầu thành công. Nếu chúng ta không thực hiện thị trường hóa về giá năng lượng thì không cách gì chúng ta có thể đủ năng lượng cho quốc gia, đặc biệt trong thời gian 50 năm, 100 năm nữa” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Video Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói về giá điện tại Việt Nam
Lan Hương (ghi)