1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá điện năm 2011: Tăng bao nhiêu thì vừa?

Theo lộ trình, năm 2011, giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh để từng bước thị trường hoá. Tuy nhiên, mức giá tăng bao nhiêu là phù hợp, tránh gây “sốc” cho nền kinh tế đang là vấn đề được đặt ra.

Giá điện năm 2011: Tăng bao nhiêu thì vừa? - 1
Giá điện tăng thì giá thép thành phẩm sẽ buộc phải đội lên.
 
Tăng 30% vẫn... chưa hết lỗ

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “giá điện năm 2011 chắc chắn phải tăng” với lý do “không thể bao cấp mãi về giá, làm méo mó nền kinh tế”. Nhưng ông cũng cho biết, lộ trình tăng và thời điểm tăng giá điện sẽ được Chính phủ xem xét, quyết định.

“Mức giá tăng, liều lượng tăng sẽ được tính toán sao cho không ảnh hưởng lớn đến người có thu nhập thấp và nếu tăng giá điện, sẽ thực hiện hỗ trợ trực tiếp thay vì hỗ trợ gián tiếp như trước đây”, ông Ninh nói.

Mặc dù dự thảo đề án tăng giá điện với những phương án cụ thể thế nào chưa được tiết lộ, nhưng khả năng giá điện sẽ tăng khá cao trong năm 2011. Có chuyên gia cho rằng, mức tăng có thể lên đến 30% hoặc hơn do những chi phí cho giá điện đều dự kiến tăng ở mức cao trong năm tới: giá than, giá khí cộng thêm các yếu tố về trượt giá, biến động tỷ giá VND/USD…

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Hoàng An, phó tổng giám đốc EVN, thừa nhận khi xây dựng đề án cũng có ý kiến nói nên tăng 30%, có ý kiến còn nói 50%, song tất cả các con số đó sẽ được tính toán kỹ trên số liệu đầu vào và bộ Công thương còn cả một hội đồng để “rà” từng con số.

Theo ông An, khi đưa các số liệu để tính toán, EVN đã cân nhắc rất kỹ về việc tăng mức nào để các doanh nghiệp điện lực ít nhất là không lỗ và cũng phải vừa sức chịu đựng của nền kinh tế. Dù “chưa thể nói một con số về mức tăng để các doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện không lỗ” nhưng ông An cho rằng mức 30% thì “chưa đủ bù được”.

Cho rằng mức tăng mà EVN dự kiến còn nhẹ và thấp hơn mức đề xuất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gửi lên Thủ tướng Chính phủ cách đây 3 tháng, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết: “Khi đó chúng tôi đề xuất tăng 7 – 8 cent/kWh, tức khoảng 500 đồng/kWh (so với giá điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh thì mức tăng này gần 50% – PV). Như vậy là EVN còn “rón rén” vì tôi nghĩ tăng 500 đồng/kWh không phải là cao”.

Cũng theo ông Ngãi, “sức” của nền kinh tế hiện tại hoàn toàn chịu đựng được mức tăng giá kể trên.

“Nếu không tăng giá điện thì sẽ càng thiếu điện, càng nguy hiểm cho nền kinh tế. Như gia đình tôi, trong dịp cao điểm vừa qua, mỗi ngày bị cắt điện là phải chạy máy phát điện hết 600.000 đồng tiền xăng! Giờ nền kinh tế đã cao, chỉ trừ nông thôn, vậy nếu trừ các đối tượng cán bộ hưu trí, học sinh sinh viên, vùng sâu vùng xa, nông dân nghèo, người có công với cách mạng thì phải tăng giá điện với các đối tượng còn lại ở mức từ 400 – 500 đồng/kWh”, ông Ngãi nói.

Ông Ngãi còn cho rằng chỉ có mức tăng lên 7 – 8 cent (hiện nay khoảng trên 5 cent/kWh) mới làm các nhà sản xuất điện trong nước không bị lỗ, có lợi nhuận khá để tái đầu tư. Ông nói: “Cũng mức giá đấy mới khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng nhảy vào, kể cả đầu tư vào các nhà máy điện chạy than, chạy khí”.

Ông Ngãi lập luận: tốc độ tăng phụ tải, tăng nhu cầu điện càng ngày càng lớn (theo tổng sơ đồ 6 và sắp tới là tổng sơ đồ 7), đến năm 2015 chúng ta phải có 150 tỉ kWh, tương đương 50.000MW, song hiện nay ta mới có khoảng 19.000MW.

“Ngay cả chùm 13 dự án nhiệt điện với tổng công suất 13.800MW mà Chính phủ phân cho cũng đã cần khoảng 20 tỉ USD. Số tiền ấy khó có được từ trong nước. Phải kêu gọi nước ngoài bằng cách cho họ thấy giá điện của ta hợp lý”, ông Ngãi nói.

Nước lên, thuyền lên

Dù con số cuối cùng về mức tăng giá điện chưa được công bố nhưng thông tin giá điện tăng cao từ năm 2011 đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là các “hộ” tiêu thụ lớn thuộc ngành thép, xi măng, dệt may...

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xi măng Việt Nam, ông Lê Văn Chung, tỏ ra lo lắng bởi ximăng là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất của việc tăng giá này.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì vừa có văn bản đề nghị bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ có “chính sách hợp lý” trong việc điều chỉnh giá bán điện, than với ngành sản xuất xi măng.

Theo ông Nam, giá xi măng hiện đang được bình ổn, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ trên cả nước trong thời gian qua; tuy nhiên, nếu tăng giá điện, giá xi măng sẽ khó tiếp tục bình ổn như hiện nay!

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam thì tính toán cụ thể hơn: năm 2011, ngành thép dự kiến sẽ sản xuất 7 triệu tấn, mỗi tấn thép tiêu thụ khoảng 650kWh. Như vậy, số tiền tăng lên do tăng giá điện năm 2011 sẽ là 650 nhân với 7 triệu tấn và nhân với phần trăm tăng của giá điện. “Tất nhiên, số tiền tăng này sẽ phải cộng vào giá thành sản phẩm...”, ông Cường nhận định.

Ít bị ảnh hưởng hơn, bởi theo ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, những ngành hoá chất cơ bản như điện phân mới dùng nhiều điện, còn các hoạt động sản xuất khác của tập đoàn chỉ tiêu thụ điện năng ở mức bình thường; song ông Tường cũng cho rằng giá điện phải tăng từ từ và cần có đơn vị kiểm soát hợp lý.

Ông nói: “Một khi giá đầu vào tăng thì giá đầu ra của sản phẩm cũng phải tăng. Mà điều chỉnh như thế, đối với sản phẩm của ngành hoá chất, là động chạm đến quyền lợi nông dân”.

Theo Chí Hiếu
SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm