Cơ quan nghiên cứu kinh tế EIU:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm sau 2010?
Nhờ sự tăng trưởng nhanh của kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác trong khu vực như Việt Nam, GDP của châu Á so với toàn cầu sẽ tăng từ 35% năm 2005 lên 43% năm 2020.
Trung Quốc sẽ đóng góp tới 27% cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu, trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Mặc dù có những bước phát triển vượt bậc, nhưng 15 năm tới, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục là những nước nghèo, GDP trên đầu người của Trung Quốc năm 2020 mới chỉ bằng Ba Lan ngày nay…
Đây là thông tin trong báo cáo vừa công bố có tên “Foresight 2020” (Dự báo năm 2020) do Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan chuyên đưa ra các phân tích dự báo về kinh tế toàn cầu, nhánh nghiên cứu của tạp chí The Economist (Nhà kinh tế).
EIU tiến hành khảo sát, phỏng vấn gần 2.000 chuyên gia kinh tế, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn tại hơn 100 quốc gia vào cuối năm 2005.
Theo báo cáo, kinh tế thế giới sẽ đạt mức phát triển trung bình 3,5% từ 2006-2020, tương tự như 25 năm qua. Kinh tế Mỹ dẫn đầu các nước phát triển với 3%, so với 2,1% của 25 nước EU và dưới 1% của Nhật Bản.
EIU dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2010 đạt 7%, so với 4% là mức trung bình của thế giới và chỉ đứng sau Trung Quốc với 7,8%.
Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7% trong 5 năm tới, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 thế giới, trên Ấn Độ (6,6%), Indonesia (5,6%), Malaysia (5,3%), Thái Lan (4,5%)…
Trong bản báo cáo dày gần 100 trang, EIU dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 bị sụt giảm đáng kể, chỉ còn 4,6%.
Trong 10 năm này, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thậm chí còn thua Philippines, Thái Lan (4,7%), Malaysia (4,8%), Indonesia (5%)…, những nước mà giai đoạn trước đó đều đứng sau Việt Nam.
Vì sự sụt giảm của giai đoạn 2011-2020, mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam trong 15 năm tới chỉ đạt 5,4%, dù vẫn cao hơn mức trung bình ở một khu vực năng động nhất thế giới là châu Á (4,9%), nhưng lại đứng sau Trung Quốc (6%), ấn Độ (5,9%) và Pakistan (5,5%).
Không chỉ Việt Nam, hầu hết các nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn 2006-2010 đều bị sụt giảm trong 10 năm sau đó.
Tuy nhiên, mức sụt giảm nặng nề nhất là với Trung Quốc từ 7,8% xuống còn 5,1%, Việt Nam từ 7% xuống 4,6%, Ukraine từ 5,7% xuống 3,5%. Báo cáo của EIU chỉ đưa ra trường hợp của Trung Quốc để giải thích về sự sụt giảm chung này của một số nước.
Theo báo cáo, Trung Quốc ở trong cuộc đua trở thành nước giàu trước khi trở nên già nua…Tăng trưởng chậm lại sau năm 2010 có thể do thay đổi về nhân khẩu học.
Một nguyên nhân khác nữa, đơn giản là cái giá phải trả cho sự thành công và khi mà khoảng cách phát triển giữa Trung Quốc và các nước đã được thu hẹp lại.
Dù kinh tế Việt Nam và một số nước tăng trưởng chậm lại sau năm 2010, nhưng báo cáo của EIU khẳng định mức phát triển trung bình gần 6% trong 15 năm tới vẫn rất ấn tượng.
Theo Trí Đường
Báo Tiền phong