Toàn siêu xe cũ: Đẳng cấp second-hand của đại gia Việt
Cuối tháng 8/2015, giới chơi xe Việt Nam không khỏi "choáng" khi thấy 2 chiếc siêu xe giá 15-16 tỷ đồng mỗi chiếc cập cảng Sài Gòn. Nhưng, tất cả đều là hàng second-hand.
Chạy bằng đường “Việt kiều hồi hương”
Đó là chiếc Huracan LP610-4, siêu xe rẻ nhất của Lamborghini, hiện có giá bán chính hãng tại Việt Nam gần 16 tỷ đồng. Chiếc còn lại là Bentley Continental GT Speed 2015, giá bán chính hãng gần 15 tỷ đồng.
Sự xuất hiện liên tiếp của những chiếc xe siêu sang thuộc dạng "hàng khủng" khiến dân tình không khỏi nể phục về độ ăn chơi của các đại gia Việt.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, những chiếc xe này vẫn là hàng cũ, nhập khẩu không chính thức.
Đại lý phân phối chính thức của hai thương hiệu Lamborghini và Bentley tại Việt Nam cho biết, họ không phải là chủ đơn hàng nhập khẩu 3 chiếc xe nói trên và đây cũng không phải là xe nhập khẩu chính hãng.
Giới thạo xe cho biết, những xe này có thể nhập khẩu qua đường Việt kiều hồi hương. Theo quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương, sẽ được nhập khẩu một chiếc xe ô tô cá nhân đang sử dụng, được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian qua, nhiều Việt kiều đã làm thủ tục hồi hương, sau đó mang xe ô tô về nước, chủ yếu toàn xe sang, siêu sang và siêu xe. Một số đối tượng trong nước, móc nối với các Việt kiều, thuê người giả làm thủ tục hồi hương để mang xe ô tô về Việt Nam. Có cả một đường dây, có năm nhập tới trên nghìn xe. Sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, nhiều Việt kiều đã nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng, sang tên, chuyển nhượng cho đối tượng khác. Bằng hình thức này, người mua xe cuối cùng đã giảm được một khoản tiền khá lớn do được miễn thuế. Theo tính toán, mua xe theo cách này, giá sẽ giảm khoảng 1/3 so với mua xe chính hãng.
Tuy nhiên, mua xe theo hình thức này, chiếc xe đó phải được đăng ký lưu hành ở quốc gia mà Việt kiều định cư ít nhất là 6 tháng và chạy một quãng đường tối thiểu là 10.000 km, tính đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.
Như vậy về pháp lý, đây là xe đã qua sử dụng. Với xe cũ, như mọi người đã biết, thường có lịch sử và quá trình sử dụng không rõ ràng, cấu hình xe không được lựa chọn theo ý người mua tại Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có trường hợp, người Việt mua xe theo ý mình, là xe mới 100%, nhưng sau đó vẫn phải thông qua các Việt kiều để đăng ký ở nước ngoài 6 tháng, chạy hoặc điều chỉnh công tơ mét cho đủ 10.000 km đúng quy định mới nhập về. Tuy nhiên do, cách mua xe kiểu này không được bảo hành chính hãng tại Việt Nam.
Điều này một lần nữa lại khẳng định đẳng cấp của các đại gia Việt Nam, vẫn ở tầm cỡ chơi xe second-hand và xe nhập không chính hãng, trái ngược nhận định mới đây cho rằng khách hàng Việt Nam khá kén chọn, luôn muốn có những chiếc xe mang tính cá nhân hoá cao.
Chứng tỏ vẫn đẳng cấp thấp?
Trên thế giới, nói về đẳng cấp của dân chơi xe siêu sang, siêu xe là quyền được làm thượng đế một cách đúng nghĩa. Các hãng xe siêu sang hay siêu xe thường quan niệm, không bán một chiếc xe để đi lại, mà bán một trải nghiệm, một dịch vụ đẳng cấp cho khách hàng, ngay từ khi có ý tưởng đầu tiên cho đến hết đời xe.
Mua xe theo cách tắt, qua đường Việt kiều hồi hương giá sẽ giảm khoảng 1/3 so với mua xe chính hãng.
Ngoài tính cá nhân hóa cao, thể hiện dấu ấn riêng của chủ nhân trên mỗi chiếc xe, các khách hàng chơi xe siêu sang, siêu xe thường được hưởng dịch vụ chăm sóc chuyên biệt với đẳng cấp cao. Ngoài chăm sóc xe, nhiều hãng còn thường xuyên mời khách hàng của mình tới những khu nghỉ dưỡng cao cấp, hàng đầu thế giới để tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, điều này chỉ dành cho những người mua xe chính hãng.
Còn mua xe cũ, xe không chính hãng, chắc chắn không bao giờ được hưởng và qua đó thể hiện đẳng cấp thấp trong chuyện chơi xe.
Việc thuế, phí cao "ngất trời" nên một chiếc xe siêu sang khi nhập về Việt Nam có giá đắt gấp 2-3 lần xe tại nơi sản xuất, có lẽ cũng là lý do khiến nhiều đại gia Việt chỉ muốn chơi xe cũ.
Chính vì mua xe cũ nên thời gian qua, nhiều siêu xe, xe siêu sang tại Việt Nam nhanh bị hỏng, xuống cấp. Ngoài nguyên nhân do điều kiện đường sá chưa đảm bảo chất lượng, còn nguyên nhân quan trọng khác, đã được chỉ ra là phần lớn xe đang lưu thông tại Việt Nam được nhập khẩu gián tiếp từ một thị trường khác.
Trong khi đó, với siêu xe hay xe siêu sang đều được sản xuất với các chi tiết kỹ thuật được chế tạo chuyên biệt theo điều kiện khí hậu và vận hành của từng thị trường. Xe cũ từ thị trường khác về Việt Nam, không được địa phương hoá để phù hợp với điều kiện giao thông, dẫn đến nhanh hỏng hóc.
Nhanh hỏng, lại không được bảo hành chính hãng, hoặc mang vào đó, sẽ phải chịu chi phí "cắt cổ", xót của nên các đại gia Việt thường chọn cách sửa vỉa hè. Hình ảnh những Lamborghini, Rolls-Royce bị tháo bánh, bày ngay trên hè phố đã xuất hiện không ít tại Việt Nam thời gian qua. Chỉ đến khi xe hỏng nặng không thể chạy, không nơi nào sửa được mới bắt buộc phải mang vào đại lý chính hãng.
Dịch vụ chính hãng, đương nhiên sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, bởi có đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có trang thiết bị chuyên dụng cũng như nhận được sự hỗ của các chuyên gia trực tiếp qua mạng Internet. Không chỉ đơn thuần là sửa chữa, mà còn giúp chủ nhân khôi phục lại nguyên trạng xe như ban đầu.
Trong khi, sửa chữa bên ngoài không thể nào đạt được như vậy. Linh kiện thay thế không chính hãng. Thợ không được đào tạo bài bản, thiếu các trang thiết bị chuyên dụng, thậm chí nhà xưởng không đảm bảo vệ sinh,... mà đơn giản chỉ là khắc phục sự cố, để cho xe chạy được.
Các đại gia Việt đúng là rất thích những thương hiệu xe siêu sang và muốn được sở hữu nó, nhưng lại từ chối sự phục vụ đẳng cấp. Tuy nhiên, cứ Lamborghini, Bentley,... ra đường cũng khiến dân tình lóa mắt, thế cũng đủ sướng rồi.
Theo Trần Thủy
VietnamNet