TKV chưa muốn “buông” doanh nghiệp điện lực lỗ ngàn tỷ đồng
(Dân trí) - Theo nội dung báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về tình hình sắp xếp, đổi mới, kiện toàn bộ máy hoạt động doanh nghiệp, dễ thấy, Tập đoàn này không dễ "buông" doanh nghiệp đang thua lỗ cả ngàn tỷ đồng.
Lỗ vẫn muốn giữ cổ phần chi phối
TKV cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, tập đoàn này phải thoái vốn dưới mức chi phối tại Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc song chưa thực hiện được do vướng mắc về tài chính.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về Đề án tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025 có khẳng định: “Giai đoạn đến năm 2018, các tổng công ty phát điện vẫn trực thuộc các tập đoàn và do các tập đoàn giữ cổ phần chi phối”. Do đó, TKV sẽ tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Tổng công ty Điện lực TKV.
Điện lực TKV có kết quả kinh doanh khá bết bát. Theo báo cáo hợp nhất kinh doanh, công ty này đang rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ lớn. Năm 2015, Điện lực TKV đạt doanh thu 11.473 tỷ đồng, tăng 7,35% so với năm trước. Dù doanh thu tài chính tăng mạnh 422% lên 204 tỷ đồng song công ty vẫn lỗ sau thuế lên tới 512 tỷ đồng.
Liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của TKV tại Điện lực TKV luôn thấp hơn vốn đầu tư ban đầu là 6.800 tỷ đồng. Trong đó, năm 2014 vốn giảm còn 5.177 tỷ đồng, năm 2015 là 5.767 tỷ đồng.
Năm 2016, Điện lực TKV đã có lãi 111 tỷ đồng, song lỗ luỹ kế tính đến hết năm 2016 vẫn lên tới 857 tỷ đồng.
Với Công ty Địa chất Việt Bắc và Công ty Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng để chuyển thành công ty cổ phần, TKV đang chỉ đạo tổ chức đại hội cổ đông lần đầu.
Về thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV 2012 -2015, tập đoàn cho biết đã hoàn thành vốn cổ phần hoá đối với 11/11 đơn vị. Tổng số tiền thu về từ cổ phần hoá đạt 494 tỷ đồng.
Trong năm 2016, TKV tiếp tục thực hiện việc thu hồi vốn góp tại quỹ đầu tư BIDV - Partner khoảng 12,48 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết năm 2016, tập đoàn đã thoái được 41,28 tỷ đồng, còn 6,72 tỷ sẽ thu hồi nốt trong năm nay.
Mắc kẹt thoái vốn
TKV cho biết việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà là rất khó khăn và không thể thực hiện được. Theo chỉ đạo của Chính phủ, TKV sẽ chuyểnn phần vốn góp tại Hải Hà về SCIC quản lý. Hai bên đã gặp gỡ, làm việc song SCIC có lại “không xem xét mua lại khoản đầu tư ngoài ngành của TKV tại Hải Hà”.
Ngoài ra, TKV cũng đang tích cực thoái vốn trong ngành tại Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải. Tập đoàn đã bán vốn hai lần tại đây nhưng không thành công. Hiện TKV đã chỉ đạo công ty này giảm vốn điều lệ từ 45,5 tỷ xuống còn 25 tỷ đồng bằng hình thức hoàn trả tiền mặt cho cổ đông. Việc này nhằ mục đích tăng thu hút cho nhà đầu tư trong quá trình bán vốn của TKV tại đây.
Công ty cổ phần Vận tải thuỷ, trong giai đoạn 2014 -2015 để thu hút nhà đầu tư, TKV đã dùng nhiều biện pháp để công ty thoát lỗ. Năm 2016 công ty bắt đầu có lãi, giảm được lỗ luỹ kế, thanh toán được các khoản nợ vay đến hạn phải trả theo kế hoạch. Đồng thời, TKV cũng tìm kiếm và đã có 4 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của công ty. Phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.
Thực tế, việc chuyển nhượng vẫn chưa hoàn tất do giá TKV thoả thuận là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức 4.300 đồng/cổ phiếu WTC tại ngày hai bên dự kiến chuyển nhượng. Việc này đang được Bộ Tài chính báo cáo lên Chính phủ.
Ngoài ra, TKV cũng đang thực hiện thủ tục cho phá sản Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Ninh. HIện tập đoàn đã chỉ đạo thêm người đại diện vốn tại đây triển khai các thủ tục cần thiết để việc phá sản diễn ra nhanh chóng
Tinh gọn bộ máy
TKV cho biết đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tiếp nhận một số cán bộ từ các đơn vị thành viên về làm cho các ban chuyên môn. Cuối năm 2016, TKV sử dụng 112.800 lao động, giảm gần 4.000 lao động trong năm.
Tập đoàn Than- Khoáng sản cho biết, cân đối chi phí năm 2016 của doanh nghiệp rất khó khăn, nhưng đã cố sắp xếp để không giảm tiền lương của các ngành nghề chính.
Năm 2016, tập đoàn đã có 447 cuộc thanh kiểm tra nội bộ với số công trường, phân xưởng được kiểm tra lên tới 817. Tuy nhiên, chỉ có 71 đơn vị vi phạm các quy định quản lý của tập đoàn. Số tiền thu hồi lại đạt 587 tỷ đồng.
Năm 2016, Tập đoàn TKV cũng tiếp nhận 1.069 lượt người, trong đó chủ yếu kiến nghị về chế độ, xin việc làm, xin nghỉ hưu trước tuổi, gây ô nhiễm môi trường, đòi đền bù, tranh chấp giải toả đất đai trong quá trình khai thác mỏ.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng nhận 269 đơn tố cáo, khiếu nại; thực hiện nhiều công việc liên quan đến phòng chống tham nhũng như xây dựng chương trình thanh kiểm tra gửi các đơn vị.
Anh Thư