1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tình trạng vỡ nợ trên toàn cầu sẽ tăng nhanh trong năm 2022

(Dân trí) - CNBC dẫn một nghiên cứu mới nhất cho thấy, tình trạng vỡ nợ trong kinh doanh sẽ tăng nhanh trên toàn cầu trong năm 2022.

Tình trạng vỡ nợ trên toàn cầu sẽ tăng nhanh trong năm 2022 - 1

Tình trạng vỡ nợ trong kinh doanh sẽ tăng vào năm 2022 khi các chính phủ rút các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: Getty).

Theo một báo cáo mới của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes, tình trạng vỡ nợ trong kinh doanh sẽ tăng vào năm 2022 khi các chính phủ rút các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.

Trên phạm vi toàn cầu, tình trạng vỡ nợ của các doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng 15% trong năm 2022, báo cáo của Euler Hermes cho biết. Mức dự báo tăng này được đưa ra sau 2 năm liên tiếp khả năng vỡ nợ giảm ở mức 12% trong năm 2020 và dự báo giảm thêm 6% trong năm nay.

Báo cáo của Euler Hermes cho biết, ngay cả với mức tăng dự kiến 15% trong năm 2022, tỷ lệ vỡ nợ chung trên toàn cầu vẫn thấp hơn mức 4% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.

"Nhìn vào mức độ vỡ nợ, các chính phủ đã thành công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với cuộc khủng hoảng. Sự can thiệp sâu rộng của nhà nước đã ngăn chặn được một nửa số vụ vỡ nợ ở châu Âu và 1/3 số vụ vỡ nợ ở Mỹ trong năm 2020", ông Maxime Lemerle, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về tình trạng mất khả năng thanh toán tại Tây Âu cho biết.

"Việc hỗ trợ này đã giữ cho tình trạng mất khả năng thanh toán ở mức thấp nhất trong năm 2021, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo còn phục thuộc vào hành động của các chính phủ trong thời gian tới", ông nói thêm.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các chính phủ trên thế giới đã tung ra nhiều gói kích thích để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế, các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm: cắt giảm thuế, hoãn thuế, bảo lãnh các khoản vay cũng như phát tiền mặt.

Đồng thời, các ngân hàng trung ương cũng nới lỏng chính sách để dòng tiền chảy vào nền kinh tế.

Hiện một số chính phủ đã bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ đó, trong khi một số ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục dần từ đại dịch.

Theo nghiên cứu của Euler Hermes, tình trạng vỡ nợ trong kinh doanh đang trở lại mức trước đại dịch tại một số thị trường mới nổi. Nhiều quốc gia trong số đó đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới và triển khai các chính sách hỗ trợ ít ỏi hơn, báo cáo cho biết.

Nghiên cứu của công ty bảo hiểm này cũng cho rằng khả năng mất thanh khoản ở châu Phi được dự báo sẽ vượt mức trước đại dịch ngay trong năm nay. Trong khi tình trạng này ở các quốc gia Trung/Đông Âu và châu Mỹ Latin sẽ diễn ra vào năm 2022.

Tình trạng vỡ nợ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng dự kiến sẽ tăng 18% trong năm 2022 so với cùng kỳ hàng năm. Trong đó, tăng mạnh nhất là ở Ấn Độ với 69% trong năm tới do các thủ tục tố tụng tại tòa án bị đình chỉ trong thời gian 2020-2021 sẽ khởi động lại.

Tại Mỹ, sự kết hợp giữa các gói kích thích kinh tế khổng lồ và sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ giữ cho khả năng vỡ nợ ở mức thấp trong năm nay và năm sau, báo cáo của Euler Hermes cho hay.