Tính minh bạch kém, quá nửa doanh nghiệp cần mối quan hệ mới có tài liệu

Thế Hưng

(Dân trí) - Có tới 57,4% doanh nghiệp trong Điều tra PCI 2020 phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương.

Sáng nay (15/4), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố. Đáng chú ý, trong đó, chỉ số tính minh bạch nhiều địa phương đã giảm mạnh trong năm 2020.

Theo kết quả điều tra PCI 2020, việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh vẫn xung quanh mức 2,5 điểm và văn bản pháp lý lần lượt chỉ ở mức 2,54 điểm và 3,03 điểm trên thang điểm 5 (1. Không thể - 5. Rất dễ), chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước đó.

Tính minh bạch kém, quá nửa doanh nghiệp cần mối quan hệ mới có tài liệu - 1

Chỉ số tính minh bạch nhiều địa phương đã giảm mạnh trong năm 2020.

Chất lượng thông tin trên website chính quyền các tỉnh năm 2020 chỉ ở mức 34,5 điểm trên thang điểm 50, tăng nhẹ so với 31 điểm của năm 2016. Cùng với chất lượng thông tin trên website của chính quyền tỉnh ít cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên truy cập website chính quyền tỉnh chỉ còn 52,3% năm 2020, so với con số 76,8% năm 2016.

Đáng chú ý, trong điều tra 2020, 56,3% doanh nghiệp nhận được phản hồi sau khi đề nghị các cơ quan chính quyền tỉnh cung cấp thông tin. Con số này đã giảm rõ rệt từ con số 71,4% của năm 2017, năm đầu tiên chỉ tiêu này được đưa vào thu thập.

Báo cáo chưa chỉ ra được nguyên nhân của tình trạng này, song tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có thể thường xuyên hoặc luôn luôn dự đoán được việc thực thi của tỉnh đối với quy định pháp luật của Trung ương, một chỉ tiêu phản ánh tính tiên liệu trong thực thi pháp luật tại địa phương, vẫn chưa có cải thiện đáng kể. Tỷ lệ này trong những năm gần đây chỉ xung quanh mức 5-6%.

Tính minh bạch kém, quá nửa doanh nghiệp cần mối quan hệ mới có tài liệu - 2

Quảng Ninh có năm thứ 4 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI.

Cũng theo báo cáo này, dù đã giảm từ con số 66,3% của năm 2016, vẫn còn 57,4% doanh nghiệp trong Điều tra PCI 2020 phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương.

Ngoài ra, báo cáo chỉ ra rằng, có nhiều thông tin doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận. Trong đó, một số loại thông tin có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận tương đối cao, đó là bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%).

Thậm chí, ngay cả các văn bản pháp luật do tỉnh ban hành cũng có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin, lên tới 24%.

Vì sao điểm tính minh bạch của Bắc Ninh giảm về 5,34?

Là một trong những tỉnh có điểm tính minh bạch giảm mạnh từ 7,02 năm 2019 về 5,34 trong năm 2020, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn thừa nhận, đây cũng là chỉ số giảm điểm lớn nhất của tỉnh trong số 6 chỉ số giảm điểm năm 2020.

Tính minh bạch kém, quá nửa doanh nghiệp cần mối quan hệ mới có tài liệu - 3

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn cho biết, tính minh bạch là chỉ số giảm điểm mạnh nhất trong năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh.

Trong số những nguyên nhân dẫn đến việc giảm điểm tính minh bạch của tỉnh Bắc Ninh, ông Tuấn cho biết, có cả yếu tố khách quan. Ngoài việc tiếp cận thông tin bị ảnh hưởng, dịch bệnh cũng là một trong những lý do khiến chỉ số này giảm mạnh.

Theo đó, nguyên nhân lớn nhất theo ông Tuấn là khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, họ kỳ vọng nhiều hơn vào việc được tiếp cận thông tin.

Để khắc phục tình trạng đó, ông Tuấn cho rằng, công khai và minh bạch phải gắn liền với nhau, nhất là trong vấn đề quy hoạch và các chính sách của tỉnh, hoặc chính sách của địa phương ban hành ra để doanh nghiệp và người dân có cách tiếp cận thuận lợi nhất.

Tụt từ hạng 4 năm 2019 (70,79 điểm) về hạng 10 trong năm 2020 (66,74 điểm), thậm chí, có ý kiến cho rằng, đã có những lúc Bắc Ninh đã "tỏa sáng" rất nhiều, nhưng trong thời gian gần đây thì đã không còn được cái nhiệt huyết như trước.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực UBND Bắc Ninh cho biết, đây là nhận xét phiến diện và nó chưa toàn diện. Bởi chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) có sự thay đổi thứ hạng liên tục của các địa phương. Cuộc cạnh tranh này rất khốc liệt, đòi hỏi các tỉnh phải luôn làm mới mình và phải vươn lên.

"Vì thế, chúng tôi xác định, với các chỉ số tăng điểm phải tạo ra sự phát triển trong thời gian tới, với các chỉ số giảm điểm, cần phải cải thiện từng bước. Để làm được điều đó, cần sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thì sẽ tạo sự đột phá trong thời gian tới", ông Tuấn khẳng định.

Dù tụt hạng, nhưng tỉnh Bắc Ninh vẫn đáng được khen ngợi với sáng kiến "bác sĩ doanh nghiệp" tạo động lực cho doanh nghiệp trong tỉnh vượt qua khó khăn để phát triển. Mô hình này không chỉ phù hợp với Bắc Ninh mà còn là điển hình để các tỉnh khác học tập.

Các con số về tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin là khá quan ngại. Những thông tin nói trên là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để lập và triển khai các kế hoạch đầu tư kinh doanh. Những rủi ro trong quá trình đầu tư, kinh doanh có thể giảm bớt nếu như các doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời trong quá trình hoạt động.

Các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng được các cơ hội đầu tư, kinh doanh nếu như được tiếp cận thông tin một cách công bằng. Cải thiện mức độ sẵn có của thông tin và đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp có lẽ vẫn là điểm quan trọng mà chính quyền các địa phương tại Việt Nam cần quan tâm hơn trong thời gian tới.