Tính kế thoát vòng chiếm dụng vốn
Tình trạng chiếm dụng vốn lòng vòng là gánh nặng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp.
Bán được hàng nhưng khó đòi tiền
Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ doanh nghiệp kinh doanh sỉ vải sợi ở khu chợ Tân Bình đang phải cắt cử hai nhân viên, thay phiên nhau theo đòi khoản nợ gần 1 tỉ đồng từ một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất hàng may mặc dành cho nam giới tại quận 12.
Bà Hồng cho biết: “Theo hợp đồng, lẽ ra họ phải thanh toán cho tôi từ tháng 6/2011. Là chỗ quen biết, nên khi chủ doanh nghiệp mua hàng điện thoại năn nỉ cho dời hạn thanh toán sang tháng 7, tôi đồng ý. Nhưng tháng 8, rồi đến tháng 9 họ vẫn chưa trả. Đến tháng 10 tôi gọi điện thoại thì... ò í e”. Theo bà Hồng, lúc cả thị trường đang ế ẩm, công ty của bà bán được hàng thì vui mừng, đến chừng đi đòi nợ còn gian nan vất vả hơn đi chào bán hàng cả chục lần.
Bà Nguyễn Thị Thuý, doanh nghiệp thương mại và dịch vụ truyền thông NTN tại quận 1 phải nhờ đến văn phòng luật sư của người bạn, mới thu hồi được khoản nợ 30 triệu đồng của khách hàng tận Hà Nội. Bà Thuý chia sẻ: “Khoản tiền không lớn, nhưng nhiều công ty sau khi trả được 50 hoặc 70%, thì phần còn lại kéo dài nợ đến 2 - 3 tháng sau chưa trả”.
“Những khách hàng uy tín như siêu thị, thanh toán có đúng hẹn thì cũng phải sau 45 ngày và leo thêm khoảng năm ngày so với hợp đồng đã ký, còn những nơi khác trễ hơn đến cả tháng”, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó giám đốc công ty sản xuất thực phẩm Saigon Food cho biết, “và cứ hợp đồng trả nợ trễ, tính theo lãi suất ngân hàng, công ty bị thiệt từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng”.
Bởi việc thu hồi công nợ quá vất vả, nên bà Phạm Ngọc Thuý, chủ doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo Thành Long đã quyết định mùa tết này sẽ không bỏ mối các loại hàng tết cho những cửa hàng, đại lý bán sỉ và lẻ ở các cửa hàng, sạp chợ, mà chỉ bán cho siêu thị. Bà Thuý nói: “Siêu thị cũng chiếm dụng vốn từ 1 - 2 tháng, nhưng dù sao cũng yên tâm hơn là bán ra bên ngoài”.
Trước tình hình khách hàng nợ quá hạn đang tăng lên, công ty dịch vụ thương mại Đông Hưng có bộ phận chuyên thu hồi công nợ, đặt dưới sự giám sát và theo dõi trực tiếp của tổng giám đốc công ty. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, tổng giám đốc công ty cho biết: “Trước khi cho nợ, tôi cũng đã xem xét khá kỹ mới đồng ý. Nên đến khi đòi nợ cũng phải tính cho kỹ, đòi được tiền về, nhưng cố đừng để mất khách hàng”.
Trả tiền nhanh, được bán rẻ
“Không thể tránh được nợ gối đầu, nhất là bán hàng tết”, ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc công ty bánh kẹo Bibica cho biết. Để linh hoạt theo thị trường, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp khác nhau để giải quyết hoặc hạn chế tối đa vấn đề công nợ chậm thu hồi.
Tăng tốc sản xuất là một trong những biện pháp được các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh áp dụng để tăng tốc cho chu kỳ quay vòng vốn. Như ở công ty Bidrico, “thời gian xoay cho một vòng vốn của chúng tôi hiện nay chỉ còn 15 ngày, so với hai năm trước là 45 ngày”, ông Nguyễn Đặng Hiến, chủ tịch hội đồng quản trị công ty nước giải khát Bidrico cho biết. Ông Hiến nói thêm: “Song song đó là những hình thức ưu đãi, cách tính giá, các ưu đãi… khác nhau áp dụng cho các nhà phân phối mua hàng trả tiền theo từng thời hạn khác nhau. Mức thưởng cho khách mua hàng trả ngay tiền mặt lên đến 5%”.
Theo ghi nhận của người viết, tăng chiết khấu là biện pháp phổ biến, được nhiều doanh nghiệp áp dụng, và mức phổ biến hiện nay ở khoảng 1 - 1,5%/tháng. Ông Phan Văn Thiện nói: “Bên cạnh thưởng cho khách mua hàng thanh toán có thời hạn dưới một tháng, công ty còn có chính sách giá khác nhau áp dụng cho nhà phân phối, siêu thị, đại lý… tuỳ thuộc vào thời hạn thanh toán trên hợp đồng”.
Theo Bích Thuỷ
SGTT