Tín hiệu tốt giúp giải quyết hiện tượng "đại bàng" báo lỗ, chuyển giá

Thảo Thu

(Dân trí) - Chuyên gia cho việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giải quyết hiện tượng một số "đại bàng" liên tục báo lỗ do chuyển giá - xóa lợi nhuận tại Việt Nam đẩy ra nước ngoài.

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng vào năm sau tại Việt Nam đang là chủ đề được cộng đồng FDI, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn tại Việt Nam quan tâm.

Chia sẻ với Dân trí trong chương trình ChatToday số này, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng đây là tín hiệu tốt với nền kinh tế khi giúp Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, thúc đẩy việc hút thêm nhiều FDI vào Việt Nam. 

Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, theo báo cáo năm 2021 của Bộ Tài chính, khoảng 50% doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam báo lỗ dù vẫn liên tục mở rộng sản xuất.

"Trong 50% đó, liệu có bao nhiêu doanh nghiệp thực hiện hoạt động chuyển giá - xóa lợi nhuận ở Việt Nam đẩy ra nước ngoài. Có hiện tượng lãi thật và lỗ giả", ông nói và nhận định việc áp thuế tối thiểu toàn cầu trong năm tới giúp giải quyết tình trạng trốn thuế một cách cơ bản, chắc chắn và lâu dài. 

Cách giữ chân FDI khi áp thuế tối thiểu toàn cầu (Video: Trần Phương).

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra khó khăn khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu là mất đi một công cụ ưu đãi thuế - vốn là yếu tố quan trọng trong việc FDI duy trì sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Việc này có thể làm giảm sức hút của Việt Nam với các FDI mới và đặt ra bài toán tìm cách giữ chân các FDI đang có mặt tại Việt Nam. 

Theo ông, nên cân nhắc ưu đãi "bù" cho doanh nghiệp, nhưng cần xem xét mức độ ưu đãi bởi chi phí ưu đãi tài khóa có thể vượt quá lợi ích FDI mang lại cho Việt Nam.

Theo chuyên gia, thực tế ưu tiên của Chính phủ khi thu hút dòng vốn FDI không phải là tăng ngân sách. "Mong muốn của chúng ta khi hút FDI là tạo công ăn việc làm, tăng trưởng xuất khẩu, phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng lao động…", ông nói.

Ông Toàn cho rằng trong trung hạn và dài hạn, sau khi áp thuế tối thiểu toàn cầu, vốn FDI đổ về Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Theo ông, doanh nghiệp nước ngoài không chỉ quan tâm về thuế, quan trọng nhất là môi trường Việt Nam có thể "hấp thu" được các dự án của họ hay không.

Vị chuyên gia đề xuất Việt Nam càng ngày phải tăng thêm tính minh bạch, giảm bớt các chi phí không chính thức. Ngoài ra, các thủ tục hành chính tại Việt Nam phải nhanh, gọn. Ngoài ra, cần cải tiến Luật sở hữu Trí tuệ và giúp luật này đi vào cuộc sống. "Việt Nam phải định hướng phát triển bền vững như phát triển xanh, phát triển năng lượng tái tạo…", ông Toàn cho hay.

Ông nhấn mạnh việc các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng tầm toàn diện về công nghệ, chất lượng nhân lực, hệ thống quản lý... Nguyên nhân do khi FDI vào Việt Nam cần một công đoạn trong chuỗi sản xuất, Việt Nam cần có doanh nghiệp đáp ứng.

"Việt Nam cũng lưu ý việc phải nâng tầm nguồn nhân lực ngay từ hệ thống các trường đại học", ông nói và cho biết nếu làm được, Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi ích kép.

ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo điện tử Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.

Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.