Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững: "Xanh hóa" tín dụng
(Dân trí) - Với xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của toàn cầu, tín dụng xanh không chỉ giúp các ngân hàng tăng khả năng tiếp cận vốn ngoại, mà còn giúp ngành ngân hàng tìm động lực tăng trưởng mới.
Tín dụng xanh là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh. Chủ đề này được nhiều quốc gia quan tâm. Việt Nam cũng có những cam kết rõ ràng về giảm phát thải ròng đến năm 2050 như cam kết tại COP26, nên việc phát triển tín dụng xanh ngày càng được chú trọng.
"Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu"
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, cho lộ trình chống chịu và lộ trình phát thải ròng bằng 0.
Thống kê cho thấy tài chính khí hậu ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khởi (năm 2020, tài chính khí hậu chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam - hoặc khoảng 0,2% GDP), từ đó cho thấy nhiều cơ hội đối với các tổ chức tín dụng để tìm hiểu và khai thác các sản phẩm tài chính khí hậu trong thời gian tới.
Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân.
Phó thống đốc nhấn mạnh ngành ngân hàng là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, và luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết sau COP26, COP27 Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Do đó, thời gian tới Việt Nam cần chuyển dịch nền kinh tế từ nâu sang xanh, trong đó GDP từ nền kinh tế xanh cần chiếm tỷ trọng cao hơn trong toàn bộ nền kinh tế.
Theo ông Huân, Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vậy nhu cầu về lượng vốn cho việc chống biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững.
Dòng vốn quốc tế cho lĩnh vực xanh có đặc điểm là tài trợ cho các dự án với mức lãi suất thấp để thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế. Để thu hút được dòng vốn ngoại, Việt Nam cần có những chiến lược để thu hút các quỹ đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Hút dòng vốn ngoại từ tín dụng xanh
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại bên cạnh việc tích cực cho vay với các dự án "xanh" thì quy mô tín dụng xanh ngày càng mở rộng, thông qua việc huy động vốn từ các định chế tài chính nước ngoài.
Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại các ngân hàng có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25% một năm. Tính đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).
Không chỉ các dòng vốn nội, mà ngay cả các dòng vốn ngoại cũng đang ngày càng quan tâm tới tín dụng xanh, khẳng định đây thực sự là xu hướng mới. Hiện đã 21 tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn cho các dự án xanh của Việt Nam.
Hoàn thiện khung pháp lý để thúc tín dụng xanh
Tại hội thảo liên quan đến việc phát triển tín dụng xanh mới đây, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước nhận định bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, hiện chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.
Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu.
Ngoài ra, các đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.
Cùng với đó, việc đầu tư vào các lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Trong khi, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thường là vốn huy động ngắn hạn. Điều này gây khó khăn cho các nhà băng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
Ngoài ra, hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các ngân hàng.
Để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện cơ quan quản lý đang xây dựng bộ quy chuẩn danh mục xanh phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Khi đó các ngân hàng sẽ có cơ sở đối chiếu khi quyết định xét duyệt nguồn vốn xanh, còn các doanh nghiệp đa ngành nghề cũng có định hướng phát triển rõ ràng để tiếp cận được nguồn vốn vay cả trong nước và quốc tế.
Cơ quan quản lý tiền tệ đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Ngoài ra, 100% các ngân hàng cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.
9h ngày 2/10 Báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến "Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững".
Diễn giả tham dự tọa đàm gồm có ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó Trưởng phòng Tổng Hợp Kiểm soát nội bộ Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TPHCM; bà Văn Thành Khánh Linh, Phó tổng giám đốc BVBank; ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp HDBank; TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM.