1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tín dụng tăng thấp, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ vốn

(Dân trí) - Tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Giới doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng cần có nhiều giải pháp hỗ trợ thủ tục vay vốn được thuận lợi hơn.

Sáng nay 14/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Do tác động của dịch Covid-19, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,44%).

Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng dao động khoảng 1,8 đến 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến-chế tạo, Vận tải, Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, Giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước vẫn nhận được một số kiến nghị, phản ánh về việc tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

Tín dụng tăng thấp, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ vốn - 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ đạo tại hội nghị

Theo phản ánh của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 289 nghìn doanh nghiệp, bình quân 34 người dân Thủ đô/1 doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97,2 % số doanh nghiệp trên địa bàn, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiệp hội đề nghị ngành ngân hàng cần có nhiều giải pháp hỗ trợ thủ tục vay vốn được thuận lợi hơn, nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày một phát triển.

Vị đại diện hiệp hội cũng đề nghị với Ngân hàng Nhà nước "rà soát các văn bản hiện còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp do bị ảnh hương Covid-19 để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thức đẩy, tái khởi động sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh".

Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, hội có hơn 800 hội viên cá thể và tập thể, tạo công ăn việc làm cho gần 30.000 lao động trên địa bàn. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã gây những ảnh hưởng nặng nề đối với cả doanh nghiệp và người lao động.

Theo khảo sát của hội này, gần 20% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 70% ảnh hưởng nhiều và chỉ có hơn 10% doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít. Do đó, có tới 20% doanh nghiệp suy giảm từ 40 đến 90% doanh thu và thực tế gần 20% doanh nghiệp suy giảm 100%.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra bộ tiêu chí cụ thể đối với gói tín dụng 300.000 tỷ đồng để phân loại các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi dịch bệnh theo các mức hộ trợ tương ứng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các biện pháp chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản để giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước. "Tính từ thời điểm dịch Covid, nếu doanh nghiệp bị vi phạm thời gian trả nợ thì không bị tính vào "uy tín tín dụng" của doanh nghiệp", đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội kiến nghị.

Trước những chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Trao đổi với các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị cần chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

"Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời, xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm", Phó Thống đốc lưu ý.

Nguyễn Hiền