Tín dụng tăng nhanh, cảnh báo nguy cơ “bong bóng bất động sản”
(Dân trí) - Giữa bối cảnh tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng mạnh 5,76%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có ý kiến đã đề nghị phải tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay bất động sản để giảm thiểu nguy cơ "bong bóng", nhất là khi đã có tới hơn 3.100 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm 2016, gần gấp đôi 2015.
Đề nghị cân nhắc việc tăng khai thác dầu vì mục tiêu tăng trưởng
Sáng nay (22/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2017.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, năng suất lao động xã hội năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương 3.853 USD/lao động) tăng 5,3% so với năm 2015 (3.660 USD/lao động) cho thấy tiếp tục có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước ASEAN.
Báo cáo của Chính phủ trước đó cũng thừa nhận, năng suất lao động của Việt Nam năm 2015 chỉ bằng 3,8% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 36,6% của Thái Lan; 51,8% của Philippines và 50,2% của Indonesia.
Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu và chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ lệ cao (41,9%) là khu vực có năng suất lao động thấp.
Trong khi đó, tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây chủ yếu là do khu vực công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5% .
Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.
Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách quản lý
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng rất cao so với các năm gần đây.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao), chuyển nhanh từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu, cơ cấu xuất khẩu hiện phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI.
Một số ý kiến cho rằng, mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn.
Liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
“Có ý kiến đề nghị cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về “bong bóng bất động sản” như thời gian trước đây”, ông Thanh cho biết, trong bối cảnh, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm 2016 lên tới 3.126 doanh nghiệp, tăng 83,9% so với 2015.
Công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ”chui” kéo dài trong nhiều năm đang trở nên nghiêm trọng, chênh lệch địa tô ngân sách nhà nước không thu được. Công tác quản lý đất đai yếu kém, thu hồi, đền bù thiếu minh bạch, thiếu hợp lý tại cơ sở và chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.
Việc để xảy ra tình trạng như trên, theo Ủy ban Kinh tế là do sự buông lỏng quản lý của các cấp, ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách quản lý.
Bích Diệp