“Tăng trưởng kinh tế giảm sút, năng suất thấp hơn và màu xanh ít đi”

(Dân trí) - Đây là một trong những lo ngại của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Lồng ghép các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh” được tổ chức sáng nay (31/10).

Theo ông Cung, trong bối cảnh Việt Nam đang gặp phải vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đặc biệt là ô nhiễm môi trường do phát triển kinh tế xã hội ở nhiều tỉnh thành song khái niệm tăng trưởng xanh vẫn còn được hiểu mơ hồ trong nhận thức và không mấy ai quan tâm trong hành động.

"Chúng ta đã có cả Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm nhưng những kế hoạch chiến lược này được thực hiện riêng lẻ, tách biệt với tăng trưởng xanh. Điều này khiến tăng trưởng kém hiệu quả, thiếu nguồn lực tăng trưởng dài hạn, dẫn đến tăng trưởng giảm sút", mở đầu Hội thảo, Viện trưởng Cung nói rõ thực trạng.


Tăng trưởng xanh, nền kinh tế cacbon thấp đã và đang được nhiều nước áp dụng

Tăng trưởng xanh, nền kinh tế cacbon thấp đã và đang được nhiều nước áp dụng

Hiện, khái niệm tăng trưởng xanh được hiểu và định nghĩa nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung các nước phát triển đã và đang áp dụng với bản chất là: tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường; tăng trưởng kinh tế (công, nông ngư nghiệp) gắn với hài hòa, bảo vệ lợi ích con người, môi trường và xã hội. Tăng trưởng xanh còn là hiệu quả của tăng trưởng khi khai thác các nguồn lực tự nhiên có sẵn một cách hiệu quả, lâu dài mà không tác động xấu đến môi trường...

Thời gian qua, nhiều quốc gia phát triển đưa khái niệm, cách thức tăng trưởng xanh vào tiêu chí đánh giá tốc độ và chất lượng tăng trưởng quốc gia. Hiệu quả tăng trưởng xanh đã thấy rõ ở các nước phát triển khi tỷ lệ tăng trưởng tỷ lệ nghịch với khí thải, chất thải (tăng trưởng cao, khí thải, phát thải và ô nhiễm môi trường thấp).

TS Cung nhấn mạnh: Tại Việt Nam, chiến lược tăng trưởng xanh được Chính phủ ban hành từ năm 2012, năm nào cũng có Diễn đàn, hội nghị tổng kết nhưng đến nay 2/3 số địa phương chưa xây dựng kế hoạch, thực hiện chiến lược này. Ở những tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thì cũng không bố trí được nguồn kinh phí thực hiện. Lý do khách quan là Chiến lược xanh được ban hành năm 2012 ra đời khi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 đã được phê duyệt. Nhưng lý do chủ quan đó là, chính quyền địa phương cũng không có sức ép thực hiện, không thấy đây là việc cần phải ưu tiên thực hiện.

"Với chính quyền địa phương, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn là áp lực, vẫn là thành tích. Còn 'xanh' hay 'không xanh' chưa không phải là chỉ tiêu đánh giá", TS Cung nói.

Để khắc phục, Viện trưởng Cung nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết, các địa phương cần lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển cấp địa phương, làm địa phương trước rồi áp dụng cho cả nước. Tăng xanh phải là chủ đạo chứ không phải đi bên lề trong tư duy phát triển. Nếu chúng ta không thực hiện, sẽ không còn đà tăng trưởng, nền kinh tế sẽ rơi vào nguy cơ càng dốc nguồn lực tăng trưởng thì càng thụt lùi. Tăng trưởng kinh tế giảm sút, năng suất thấp, màu xanh ít đi".

Về vấn đề tăng trưởng xanh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ông Đào Đức Huấn, Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho hay: Vấn đề hiện nay là đâu là động lực để thúc đẩy địa phương làm và lồng ghép thế nào để hiệu quả? Lồng ghép kế hoạch bằng cách đưa vào các chỉ tiêu hay không hay chỉ là lồng ghép kế hoạch ở cấp ngành? Điều này rất quan trọng để tạo sức ép đổi mới hành động.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện CIEM cho rằng: Vấn đề tăng trưởng xanh là cấp thiết trong mục tiêu phát triển nhưng nguồn lực được bố trí ở địa phương không nhiều, lại ra đời sau khi kế hoạch phân bổ vốn giai đoạn 2011 - 2016. Trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhiều địa phương không quan tâm đến tăng trưởng xanh, một thước đo của nhiều nước phát triển về hiệu quả sử dụng nguồn lực cho tăng trưởng.

Dẫn chứng trong ngành nông nghiệp, ông Hiếu phân tích: "Tăng trưởng xanh còn là khái niệm giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất xanh và lối sống xanh. Trong nông nghiệp, trước 2000, chúng ta sử dụng phân đạm nhiều, cấy dày, sau đó năm 2003 phương thức canh tác cải tiến được áp dụng, cấy thưa, quản lý nước theo cách tưới tiêu hiện đại, đưa lại nhiều kết quả, năng suất tăng, giảm sâu bệnh".

"Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động phong trào và nhân rộng mô hình "3 giảm 3 tăng" vừa giải quyết vấn đề thiếu nước, nâng cao chất lượng sử dụng giống vừa đem lại kết quả kinh tế cho người dân, khiến lợi nhuận tăng được 15-35%. Đây là minh chứng về hiệu quả tăng trưởng xanh đã và sẽ làm cho gia tốc tăng trưởng cao hơn, bền hơn so với hiện nay", ông Hiếu nói.

Nguyễn Tuyền