Tín dụng bất động sản: "Cứ giữ trần 45%, tới năm 2020 hãy tính tiếp"
(Dân trí) - "Tôi đề nghị năm 2019, tín dụng vào bất động sản vẫn giữ trần 45% là có lý, có tình. Mình không thể nghĩ là giữ mãi, nhưng mà ít nhất là kéo dài tới năm 2019 rồi lúc đó hãy tính cái vụ năm 2020".
Đó là ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khi trao đổi với Dân trí liên quan đến Thông tư 19/2017/TT-NHNN về tín dụng bất động sản.
"Giữ trần 45% là có lý, có tình"
Thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định, kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.
Theo ông Châu, nếu theo thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì từ ngày 1/1/2018 đã giảm xuống 40% rồi. Nhưng cuối năm 2017, HoREA đề nghị thì NHNN mới ban hành Thông tư 19. Đó là một sự lắng nghe thấu đáo của NHNN. Nhưng theo Thông tư 19 thì từ ngày 1/1/2019 thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn.
Ông Châu cho rằng, nên nhìn nhận vào thực tế "sức khoẻ" của doanh nghiệp bất động sản hiện nay để có lộ trình điều chỉnh tín dụng cho phù hợp.
Dù thị trường phục hồi, tăng trưởng nhưng thực sự doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Để giảm bớt thách thức thì có nhiều biện pháp nhưng trong đó cần tính tới cách tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Vì thế, HoREA đề nghị năm 2019, cứ giữ trần 45% rồi tới năm 2020 hãy tính tiếp.
"HoREA đề nghị năm 2019 vẫn giữ trần 45% là có lý, có tình. Mình không thể nghĩ là giữ mãi, nhưng mà ít nhất là kéo dài tới năm 2019 rồi lúc đó hãy tính cho các năm tiếp theo", ông Châu nói.
Vốn tín dụng vẫn là "then chốt"
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, điều quan trọng nhất là thị trường bất động sản phải có nguồn vốn thay thế. Nguồn vốn thay thế đó phải có hướng mới chính là hợp tác quốc tế (FDI) và nguồn vốn chứng khoán.
"Bây giờ, số doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán còn rất ít. Đó là một điểm yếu của doanh nghiệp bất động sản. Phải minh bạch doanh nghiệp từ đó huy động vốn xã hội qua sàn chứng khoán", ông Châu mách nước.
Đối với nguồn vốn FDI, ông Châu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017.
Theo đó, tính chung trong 6 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Chủ tịch HoREA cũng nhận định, mặc dù nguồn vốn FDI đang tốt dần lên nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn là quan trọng. Cho nên, song song với việc đẩy mạnh huy động vốn từ việc hợp tác quốc tế thì doanh nghiệp cũng cần hết mực chú trọng việc bổ sung vốn từ “nguồn vốn chủ lực” là vốn tín dụng.
Do đó, HoREA đã gửi công văn trình Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019.
Công Quang