TPHCM:
Tìm giải pháp thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và Mỹ Latinh
(Dân trí) - Hiệp định TPP mở ra nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam với các thị trường rộng lớn như Hoa Kỳ, Mỹ Latinh. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, rào cản lớn nhất hiện nay là áp lực cạnh tranh của sản phẩm Việt với Hoa Kỳ và nhiều doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết nhất định về các nước Mỹ Latinh.
Ngày 17/11, tại TPHCM đã diễn ra Diễn đàn Xuất khẩu 2015 với chủ đề “Giải pháp thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và Mỹ Latinh” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức.
Hoa Kỳ - Bạn hàng lớn
Theo Vụ thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương giữa 2 nước đạt 36,3 tỷ USD năm 2014, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lên tới gần 30,6 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2013.
Nói về thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh TPP, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ cho rằng, TPP được ký kết sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đối với Việt Nam khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ là sự cạnh tranh quyết liệt; luật lệ phức tạp, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật kể cả tiêu chuẩn lao động và môi trường; trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam gia công là chủ yếu.
“TPP mang lại cơ hội nhưng cũng tạo thêm thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam bởi những yêu cầu cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ, phải cạnh tranh sản xuất và xuất khẩu với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, trong đó có một số sản phẩm của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ nên việc mở cửa thị trường đầu tư cũng tạo áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam về dịch vụ”, ông Khiên nói.
Theo các chuyên gia, trở ngại lớn của doanh nghiệp Việt Nam là năng lực cạnh tranh với thị trường Hoa Kỳ và rào cản ngôn ngữ khi làm ăn với các nước Mỹ La tinh
Thiếu thông tin thị trường Mỹ Latinh
Đến nay, Việt Nam có quan hệ buôn bán với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh. Đối tác thương mại chính của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh gồm: Brazil, Mexico, Chile, Colombia, Panama, Cuba, Peru, Argentina, Uruguay, Ecuador.
Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ nhận định, Mỹ Latinh có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Các nước Mỹ Latinh có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tuy vậy, theo ông Đông, thâm nhập thị trường Mỹ Latinh cũng không ít khó khăn vì doanh nghiệp còn thiếu thông tin, rào cản ngôn ngữ giao tiếp, vận chuyển xa xôi nên chi phí vận tải cao, phương thức thanh toán chưa thuận lợi, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường như Mexico, Brazil và Argentina, sự cạnh tranh gay gắt với hàng một số nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) và với hàng tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi các hoạt động xúc tiến thương mại tại khu vực này chưa được ưu tiên.
Theo ông Trần Duy Đông, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh là tăng cường thông tin về thị trường Mỹ Latinh cho doanh nghiệp Việt Nam và thông tin về Việt Nam cho doanh nhân khu vực Mỹ Latinh; đẩy mạnh cung cấp thông tin hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến; tổ chức các đoàn đi hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường tìm đối tác, bạn hàng; mời các đoàn nước ngoài vào làm việc, hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp và tham dự hội chợ, triển lãm tại Việt Nam.
Công Quang