Hy vọng Mỹ sẽ công nhận kinh tế thị trường với Việt Nam
(Dân trí) - “Chúng ta rất hy vọng với quá trình cải cách của Việt Nam và việc Việt Nam thực hiện có trách nhiệm TPP, Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều này sẽ đặc biệt thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam” – chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama.
Theo lịch trình dự kiến, từ ngày 23/5 đến ngày 25/5 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng trên nhiều bình diện, cả về chính trị ngoại giao đến kinh tế, xã hội.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với Dân Trí về sự kiện này dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế:
Thưa ông, theo đánh giá của ông, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Việt – Mỹ?
Chúng ta biết mối quan hệ Việt – Mỹ đã được tăng cường rất rõ nét trong vài năm trở lại đây. Thể hiện ở 3 khía cạnh: Một là, Việt Nam và Mỹ đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Hai là, cả Việt Nam và Mỹ đều là thành viên trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP là một hiệp định chất lượng cao, một hiệp định phản ánh không chỉ những chuẩn mực truyền thống của một hiệp định thương mại tự do mà còn tính tới những yêu cầu, đòi hỏi mới, những phát sinh mới trong sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư ở khu vực và toàn cầu.
Ba là, Mỹ với chiến lược xoay trục của mình cũng đã có rất nhiều hành động cụ thể để thúc đẩy quan hệ, tăng sự ảnh hưởng và vai trò của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Do vậy, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama tới đây rõ ràng là một dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước, nhất là khi đặt trong bối cảnh khu vực có rất nhiều thay đổi. Tôi cho rằng, không chỉ Việt Nam, Mỹ mà cả khu vực và thế giới đều quan tâm.
Cụ thể, ở lĩnh vực kinh tế, điều chờ đợi nhất trong chuyến thăm này là gì, thưa ông?
Chúng ta rất hy vọng chuyến thăm này sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện của Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực.
Riêng về kinh tế, điều mà chúng ta chờ đợi là với tư cách là hai thành viên tích cực có trách nhiệm trong TPP, cả Mỹ và Việt Nam sẽ nỗ lực trong việc không chỉ kết thúc ký kết TPP mà còn đi vào phê chuẩn và thực thi hiệp định này.
Việt Nam là một nền kinh tế còn nhiều điểm đang chuyển đổi, còn nhiều điểm có thể còn chưa tương thích với cam kết trong TPP nên đây cũng là dịp để phía Việt Nam có thể khẳng định quyết tâm, nỗ lực hội nhập một cách tích cực, có trách nhiệm.
Còn về phía Mỹ, với vai trò là một nền kinh tế phát triển hơn, Mỹ hoàn toàn có thể thể hiện sự hỗ trợ đối với Việt Nam, đặc biệt là trong cải cách khu vực pháp lý, thể chế để thực hiện có hiệu quả và tốt nhất hiệp định này.
Ngoài ra, với chuyến thăm lần này của ông Obama, một lần nữa Mỹ và Việt Nam có thể có những tiếng nói đồng thuận trong một số vấn đề của khu vực vì sự ổn định, phát triển, tăng cường liên kết của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
TPP chưa được phê chuẩn và cho đến nay tại Quốc hội Mỹ vẫn đang bị chia rẽ vì hai luồng quan điểm trái chiều về TPP…
Như tôi đã nói, chuyến thăm này khẳng định thêm ý nghĩa, vai trò của Việt Nam và Mỹ trong việc phê chuẩn, thực thi TPP. Theo rất nhiều tính toán, nếu TPP được triển khai thì sẽ mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ.
Xét về tương đối, nghĩa là so về GDP, xuất khẩu…, Việt Nam là một trong những nước được cho là có lợi ích to lớn nhất. Tuy nhiên, bản thân Mỹ cũng sẽ nhận được lợi ích to lớn từ hiệp định này.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Dung lượng thị trường này lên tới 1.800 tỷ USD. Song hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng thủy sản khi vào Mỹ vẫn gặp không ít khó khăn, thậm chí là vướng phải kiện tụng rất nhiều. Để giảm thiếu và tránh bị kiện, thời gian tới, Việt Nam cần làm gì?
Trong hội nhập, mỗi quốc gia sẽ phát huy được lợi thế so sánh của mình, và Việt Nam cũng vậy. Trong quan hệ với Mỹ, không phải chờ đến TPP mà ngay cả với Hiệp định BTA với Mỹ từ năm 2000, rồi khi Việt Nam gia nhập WTO thì xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thủy sản, thể hiện rất rõ lợi thế so sánh của Việt Nam.
Thế nhưng, hội nhập có những rủi ro nhất định. Rủi ro này đến từ nhiều lý do. Về phía nước nhập khẩu, do những áp lực khác nhau mà họ có thể họ áp đặt những hàng rào thiên vị không công bằng làm thiệt hại đến nước xuất khẩu. Trường hợp này từng xảy ra với ngành xuất khẩu Việt Nam và Việt Nam cũng đã từng lên tiếng, từng đấu tranh bảo vệ.
Song cũng phải thấy rằng, có những hàng rào kỹ thuật nhằm đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.. , đó là những yếu tố hợp lý. Và có thể là về phía nước xuất khẩu, trong trường hợp này là Việt Nam, chưa đáp ứng được những yêu cầu đó.
Một lý do nữa có thể gây thêm thiệt hại không cần thiết là quá trình ta xử lý để đáp ứng những yêu cầu về quy trình pháp lý chưa chuẩn mực.
Chúng ta phải nhìn nhận tất cả những điều trên dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, phải khẳng định, dù sao, những phí đổi nói trên so với lợi ích mà chúng ta thu được từ hội nhập vẫn tương đối nhỏ và chấp nhận được.
Tất nhiên trong quá trình chúng ta đấu tranh, nếu làm tốt hơn thì chi phí sẽ giảm hơn. Nhưng nhìn chung, cơ bản là chúng ta vẫn có lợi.
Một điểm nữa, chúng ta cũng rất hy vọng, với quá trình cải cách của Việt Nam và việc Việt Nam thực hiện có trách nhiệm TPP, Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều này sẽ đặc biệt thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo thông tin chính thức từ Nhà Trắng, chiều tối 24/5/2016, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ một số doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam để thảo luận về lợi ích mà TPP đem lại cho quan hệ hai nước, như: thúc đẩy tạo công ăn việc làm hay nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Hồi tháng 2 vừa qua, khi kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định TPP, Tổng thống Obama nhấn mạnh: TPP “tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài và tạo công ăn việc làm tại Mỹ”. Tổng thống Obama cho biết, ông sẽ phải dựa vào các cử tri ủng hộ TPP thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bởi vì các lãnh tụ công đoàn đã phản đối thỏa thuận thương mại này.
Đồng thời, Tổng thống Mỹ lưu ý thêm, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Paul Ryan đã ủng hộ rộng rãi thỏa thuận này.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cũng ủng hộ nhanh chóng thông qua hiệp định, và nhấn mạnh rằng việc phê chuẩn chậm trễ sẽ khiến Mỹ thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.
Bích Diệp (thực hiện)