Tìm đâu động lực tăng trưởng 6,7% của nền kinh tế?

(Dân trí) - Trao đổi với Dân Trí, các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định không nên kiếm tìm giải pháp hút thêm dầu thô cứu tăng trưởng bởi giá dầu vẫn thấp và cách làm thiếu bền vững, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Xung quanh vấn đề này, PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Động lực tăng trưởng ở tăng thương mại và du lịch

- Thưa ông, tăng trưởng quý II/2017 dù có nhích tăng nhưng 6 tháng đầu năm chúng ta vẫn thấp. Để phấn đấu mục tiêu 6,7% cho cả năm, 6 tháng cuối năm phải đạt 7,4%, theo Tổng cục Thống kê, để đạt con số trên, phải có sự bức phá thần kỳ mới đạt được. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Sự cải thiện tăng trưởng của quý II đến từ khu vực dịch vụ, tăng trưởng dịch vụ cao hơn, tăng trưởng chế tạo cao nhưng không cao như 2016, khu vực nông nghiệp và thủy sản tốt hơn. Khai thác bị suy giảm, tăng trưởng quý II tăng trưởng không phải nhờ vào khai thác thô, tăng trưởng quý II là dịch vụ như bán buôn, bán lẻ và du lịch.

Nói như vậy, để chúng ta thấy xem nguồn lực và dư địa tăng trưởng của chúng ta đang ở đâu và nên kích thích tăng trưởng ở những chỗ nào. 6 tháng cuối năm, có thể kiếm tìm tăng trưởng ở ngành xây dựng, chế tạo và chế biến. 2 quý tiếp theo tôi tăng trưởng sẽ vào khoảng 7% và con số tăng trưởng cho cả năm sẽ là 6,5%.

- Để kích thích tăng trưởng, giải pháp trước mắt hiện nay là sẽ khai thác thêm hơn 1 triệu tấn dầu thô để bù đắp thiếu hụt tăng trưởng, ông có tán đồng ý tưởng này hay không?

Đặc điểm của ngành dầu khí là giá trị gia tăng rất cao, khi tăng sản lượng dầu khí, đóng góp rất mạnh cho GDP nhưng giá dầu giảm cũng ảnh hưởng rất lớn đến GDP. Đối với Việt Nam, những năm gần đây chúng ta đang theo đuổi chính sách phát triển loại bỏ bớt phụ thuộc vào ngành khai khoáng để tìm động lực, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành kinh tế khác.

Đối với Việt Nam, nếu đặt vấn đề khai thác dầu cứu tăng trưởng, chúng ta muốn đẩy mạnh tăng trưởng quý này phải đẩy mạnh khai thác dầu thô, vậy những quý sau, năm sau sẽ làm gì, lại tiếp tục khai thác thêm hay sao? Không có gì đảm bảo cho năm 2018 chúng ta sẽ tiếp tục tăng trưởng nếu không dựa vào dầu thô khi con số khai thác theo giá trị tuyệt đối phải cao hơn so với năm 2017.

Không nên hút dầu thô bù tăng trưởng

Quyết định khai thác dầu thô nên đặt theo quyết định kinh doanh, thị trường, ở phía cung là năng lực của ngành dầu khí có khai thác đảm bảo không lỗ. Ở phía cầu là nhu cầu thị trường giá thị trường có lợi hay không để chúng ta tiếp tục khai thác. Hiện theo tính toán thì giá dầu thô tăng trên 50 USD/thùng, DN mới có lãi.

Cái khổ của chúng ta hiện nay là tăng trưởng GDP không phụ thuộc vào giá thị trường, GDP tính giá cố định năm 2010. Chính vì vậy, nếu giá năm 2010 cao, trong khi giá dầu thô thực tế thấp hơn, rẻ hơn nhiều, lại càng tai hại hơn khi nó không có giá trị gia tăng, nhưng lại được tính vào tăng trưởng, vẫn sinh ra tăng trưởng.

- Nhiều người đặt câu hỏi về cải cách nền hành chính thực hiện nhiều năm nhưng chưa có hiệu quả, với đánh giá của mình, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao? Đâu là điểm cần cải thiện chính sách của Việt Nam?

Hiện nay hệ thống tư pháp của Việt Nam chưa thể độc lập là nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân kém phát triển. Những vụ án liên quan đến quan chức, tranh chấp giữa DN với chính quyền chỉ là câu chuyện thuần túy về mặt kinh tế thì phải để vị thế độc lập cho tư pháp quyết định. DN bị phá sản nhiều một trong những nguyên nhân là họ cảm nhận không được pháp luật bảo vệ.

Nhìn từ phía tổng cầu, tiêu dùng của dân cư và đầu tư của DN vẫn tăng trưởng với tốc độ cao hơn năm 2016. Tuy nhiên, do Việt Nam nhập siêu nên đã thui chột đi tăng trưởng.

Về tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng 6 tháng 7%, đóng góp tăng trưởng 8,5%, đầu tư tích lũy tài sản của khu vực tư nhân là 9,5%, đóng góp tăng trưởng 4,2%, tăng trưởng hai khu vực này là 12,7%. Nếu như nhờ tiêu dùng và đầu tư thì GDP tăng trưởng 12,7%, nhưng do nhập siêu đã làm giảm 7% tăng trưởng, tăng trưởng chỉ còn 5,7%. Đừng quá kỳ vọng vào DN FDI bởi bên cạnh tăng trưởng họ cũng nhập siêu lớn, gây tác hại cho nền kinh tế.

Năm giảm chi phí, cần hành động!

Cũng về chủ đề này, PV Dân Trí phỏng vấn chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

- Theo ông, đâu là cách thức để cải cách tăng trưởng hiện nay ngoài vấn đề khai thác dầu thô?

Năm 2017, Chính phủ kêu gọi là năm giảm chi phí, hiện nay đã ai thực hiện và giảm cái gì là chưa thấy rõ. Chúng ta đã nói rất tốt nhưng bây giờ các bộ phải hành động và làm quyết liệt để giúp tháo gỡ tăng trưởng.

Nếu DN giảm được chi phí như họ báo cáo là 65% DN phải chi phí không chính thức như báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố thì chúng ta mới thực sự giải phóng sức sáng tạo của kinh tế tư nhân và toàn nền kinh tế.

- Tăng trưởng dựa vào FDI đã bộc lộ nhiều bất cập gần đây chúng ta nhắc nhiều đến tăng trưởng dựa vào kinh tế tư nhân và đã đưa nhiều giải pháp, tại sao khu vực này vẫn khó lớn mạnh?

Về khởi nghiệp, chúng ta nói nhiều đến thành quen vấn đề này, nhưng tôi xin lưu ý là qua một nghiên cứu của tổ chức tại TP.HCM, hiện cứ 100 DN khởi nghiệp thì chỉ còn sống sót 10 DN, nếu cải cách, có chính sách tốt cho toàn bộ nền kinh tế, chỉ cần 30 DN sống sót, chúng ta đã thành công rồi.

Mô hình và cách thức tăng trưởng đạt được 6,7% hiện không phải là khai thác mà phải ở cải cách và cải thiện kinh tế ở những chỗ chúng ta đã và đang yếu trong thời gian qua như: cổ phần hóa DN Nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân và lành mạnh hóa cơ cấu nền kinh tế.

Nguyễn Tuyền (thực hiện)