Tìm biện pháp quản lý vàng
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích các vấn đề của thị trường vàng Việt Nam trong mối quan hệ với thị trường thế giới và đề ra giải pháp.
Giá vàng thế giới sẽ biến động theo Việt Nam?
Hội đồng Vàng thế giới thống kê: từ năm 1993 đến quý 3/2010, tích trữ vàng của Việt Nam lên tới 1.072,1 tấn, tương đương 47 tỉ USD - số liệu trên dựa trên hoá đơn, chứng từ về hoạt động mua bán vàng của người Việt Nam trên thị trường nước ngoài. Và, lượng vàng này chủ yếu nằm trong dân chứ ngân hàng Nhà nước chỉ có khoảng mấy chục ký, ông cho biết thêm.
Nếu số liệu này chính xác, Việt Nam sẽ nằm trong năm quốc gia có vàng nhiều nhất thế giới. Một số chuyên gia của hội đồng Vàng thế giới nói rằng, giá vàng Việt Nam biến động có thể khiến giá vàng thế giới biến động là có cơ sở.
Vừa qua, các dự báo giá vàng năm 2011 của các tổ chức quốc tế rất khác nhau (UBS – ngân hàng giao dịch ngoại hối lớn thứ hai thế giới dự báo giá vàng trung bình năm 2011 là 1.550 USD/oz; Morningstar: 1.400 USD/oz; Ord Minnett: 1.450 – 1.500 USD/oz; Clifford Bennett - nhà kinh tế trưởng của Herston Economics, nhận định vàng có thể tăng đến 2.000 USD/oz vào cuối năm tới, dự báo thận trọng hơn là 1.650 USD/oz.
Ông Clifford Bennett cho rằng, vàng sẽ nhanh chóng tăng đến 1.450 USD/oz trong quý 1 năm tới, đến cuối năm có thể tăng nhanh đến 2.000 USD/oz, sau đó giảm trở lại quanh mức 1.950 USD/oz. Chính sách nới lỏng định lượng tới 600 tỉ USD của Mỹ sẽ đẩy giá hàng hoá tăng cao và USD sẽ giảm giá từ 10 - 15% trong năm 2011, cung cấp một hỗ trợ cơ bản đẩy giá vàng - PV).
Các dự báo giá vàng lạc quan có yếu tố quan trọng là: Trung Quốc sẽ nâng dần số ngoại tệ dự trữ bằng vàng. Hiện quốc gia này có dự trữ ngoại tệ lên đến 2.600 tỉ USD nhưng vàng mới chiếm 1,7%. Nếu đúng như tuyên bố, Trung Quốc sẽ nâng dần dự trữ vàng trong tổng số ngoại tệ lên 10% (tương đương khoảng 260 tỉ USD, tức mua vào khoảng 6.000 tấn vàng) thì giá vàng thế giới trong những năm tới sẽ liên tục tăng.
Nên lập lại sàn vàng
Nên lại lập sàn giao dịch vàng. Sàn vàng mới lần này không phải sàn vàng lẻ tẻ như trước mà là sàn vàng lớn tầm cỡ quốc gia. Theo đó, có thể có một sàn ở Hà Nội, một sàn ở TPHCM và được quản lý bởi công ty TNHH một thành viên trực thuộc ngân hàng Nhà nước.
Hai sàn vàng này sẽ được thực hiện các cơ chế, nghiệp vụ giao dịch như một sàn vàng quốc tế, có thể buôn bán vàng qua tài khoản, vàng chứng chỉ, vàng vật chất...
Mục đích của sàn vàng là để tránh tình trạng lệ thuộc vào buôn bán vàng vật chất, tránh tình trạng doanh nghiệp, cá nhân trong nước muốn mua vàng bán phải bỏ 100% vốn như hiện tại.
Đồng thời, việc lập sàn vàng như nói trên sẽ tạo sự liên thông giữa thị trường vàng trong và ngoài nước, hạn chế đầu cơ lũng đoạn thị trường, giúp Chính phủ quản lý thị trường vàng một cách ổn định, nhằm tạo môi trường kinh doanh sòng phẳng, bình đẳng và minh bạch. Hiện có những “tập đoàn” vàng có thể sở hữu hàng chục tấn vàng, sẵn sàng đầu cơ vàng vật chất và lũng đoạn vàng vật chất một cách nghiêm trọng.
Thị trường vàng Việt Nam hiện nay, có rất nhiều vấn đề. Giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới. Lúc nào có quota nhập khẩu thì giảm, không có thì tăng. Hiện Chính phủ không có cách nào ngoài việc cấp quota nhập khẩu mỗi lúc giá cả trong nước leo thang dù như vậy là không nên (vì làm tăng cầu ngoại tệ, trầm trọng thêm tình trạng nhập siêu – PV).
Ngoài ra, nhập lậu vàng cũng là nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng của thị trường ngoại hối. Năm 2010, số dư ngoại tệ cả nước là 4 tỉ USD nhưng ngân hàng Nhà nước không thu về được số ngoại tệ này.
Ngược lại, ngân hàng Nhà nước còn phải chi ra 8,8 tỉ USD để giữ tỷ giá hối đoái. Có nghĩa, sai số của cán cân thanh toán quốc tế lên tới 12,8 tỉ USD. Theo phân tích của chúng tôi, phần lớn con số này được sử dụng để nhập lậu vàng vì giá vàng Việt Nam và thế giới luôn chênh lệch nhau khá lớn.
Một số ý kiến quan ngại kinh doanh vàng qua tài khoản như đánh bạc, buôn bán vàng ảo… Quan điểm này là không đúng, vì các nước quản lý thị trường vàng rất chặt chẽ. Ví dụ như, nước Mỹ từ năm 1933 - 1984 là cấm dân chúng sở hữu, tích trữ vàng miếng. Từ năm 1984 đến nay, ai mua bán vàng miếng từ 10.000 USD trở lên phải khai báo với cơ quan quản lý.
Theo Hà Minh
Báo Sài Gòn Tiếp Thị