1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiểu thương phản đối xây trung tâm thương mại: Ra tòa!

(Dân trí) - Vướng mắc việc xây mới chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho rằng thực hiện chủ trương của TP Hà Nội là xây trung tâm thương mại (TTTM), trong khi các tiểu thương cho rằng “việc xây trung tâm thương mại là trái phép”. Đích đến là tòa án.

Tiểu thương phản đối xây trung tâm thương mại: Ra tòa!

Sau gần 4 năm, chủ trương xây chợ Nghĩa Tân vẫn chưa được các tiểu thương đồng thuận
“Chỉ được xây mới chợ 3 tầng”

Cầm trong tay từng xếp hồ sơ dày gửi báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Phúc, tiểu thương bán hàng quần áo trong chợ Nghĩa Tân cho biết: chiếu theo quy định của Bộ Xây dựng thì việc xây mới chợ Nghĩa Tân thành TTTM là trái pháp luật.

Cụ thể, bà Phúc dẫn quy định số 13 ngày 19/4/2006 của bộ Xây dựng ban hành về tiêu chuẩn thiết kế chợ. “Chợ Nghĩa Tân là chợ loại 2 thuộc quận Cầu Giấy quản lý nên chỉ được xây không quá 3 tầng”, bà Phúc cho hay.

Thực tế, từ cuối năm 2008, quận Cầu Giấy tiến hành mời thầu xây mới chợ Nghĩa Tân thành trung tâm thương mại. Tòa nhà mới 9 tầng sẽ mọc lên thay thế chợ cũ với các chức năng là chợ, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại.

Quyết định đó đã vấp phải sự phản ứng của phần lớn các tiểu thương trong suốt 5 năm qua. Mới đây nhất, ngày 28/5, gần 500 hộ buôn bán đã kéo về UBND quận để phản đối.

Theo các hộ dân này, khi lập hồ sơ đấu thầu dự án xây trung tâm thương mại 9 tầng thì quận Cầu Giấy đã “làm sai quy định và xâm hại quyền lợi hợp pháp” của các hộ kinh doanh trong chợ.

Theo tìm hiểu của PV, so với chợ truyền thống và TTTM thì khi vào TTTM điều kiện mặt bằng buôn bán tốt hơn, quy hoạch từng ngành hàng thuận lợi hơn nhưng “giá thuê cũng cao hơn”.

Thêm lý lo nữa khiến người dân phản đối quyết liệt trong việc xây TTTM là chủ quyền chợ Nghĩa Tân. Theo các hộ tiểu thương thì họ là người đóng phần lớn số tiền xây chợ nên có quyền quyết định việc chuyển đổi từ chính tài sản của mình.

Bà Phúc cho hay: “Năm 1995, 498 hộ kinh doanh thì mỗi hộ đóng thấp nhất là 6,5 triệu. Còn đối với quầy hàng ở mặt tiền thì vị trí thuận lợi được đấu thầu với mức cao nhất là 80 triệu đồng/quầy hàng. Do đó, tuy kinh kính phí xây dựng chợ chỉ là 1,9 tỷ nhưng chúng tôi đóng thực 2,3 tỷ đồng”.

Ra tòa

Trao đổi với PV, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho rằng: “Các hộ dân không muốn chuyển đổi nên vin vào câu chữ văn bản”. Ông Hà khẳng định: “Dù các hộ dân không hợp tác thì quận Cầu Giấy vẫn tiếp tục tiến hành xây TTTM”.

Đến nay, theo Ban Giải phóng mặt bằng quận Cầu Giấy thì rrước kia có 200 hộ đồng ý nhận tờ khai tài sản nhưng sau này các hộ này đồng loạt trả lại tờ khai. Hiện tại chỉ có 70/498 hộ chấp nhận phương án của quận.

Trước việc nhiều lần khiếu nại chưa có kết quả, các hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân đã khởi kiện UBND TP Hà Nội ra tòa. Hiện vụ kiện vẫn đang được tiến hành, sau khi Tòa hành chính TAND Hà Nội bác đơn.

Nhiều dấu hiệu nhập nhèm

Trong quá trình dự án xây mới chợ Nghĩa Tân thành TTTM từ năm 2008 tới nay, thì quyết định thu hồi đất, phê duyệt nhà thầu chính quyền quận Cầu Giấy thực hiện nhiều nội dung sai phạm, thực hiện không đúng quy định.

Cụ thể, ngày 6/1/2010, UBND quận Cầu Giấy có Thông báo kết luận về việc giải quyết nội dung tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân. Theo đó, UBND quận thừa nhận một số thiếu sót trong quá trình triển khai dự án như: Nội dung chỉ dẫn trong hồ sơ mời thầu chưa thống nhất với bản vẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng được UBND quận phê duyệt, quy hoạch một đằng mời thầu một nẻo; quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ di chuyển, chi trả tiền cho các hộ có việc chưa đúng quy trình…

Ngày 24/11/2010, UBND TP Hà Nội có Thông báo kết luận đơn tố cáo, phản ánh của công đân chợ Nghĩa Tân. UBND TP khẳng định có việc chữ ký tại biên bản xác định giá trị tại quầy không giống với chữ ký tại dự thảo phương án đền bù nhưng vẫn được Trưởng Ban Quản lý chợ ký xác nhận.

Một số trường hợp, chủ hộ không ký mà lại lấy chữ ký của nhân viên phụ giúp bán hàng. Đáng chú ý, khi Thanh tra thành phố tiến hành giải quyết đơn tố cáo thì chủ đầu tư khai báo để mất 68 bộ hồ sơ giải phóng mặt bằng. Đây chính là những điểm mập mờ gây thắc mắc, khiếu kiện.

Theo Luật sư Vũ Công Dũng - VP Luật sư Bảo Hiến: Để giải quyết dứt điểm vụ việc, cần làm rõ hai vấn đề là: Việc người dân góp phần lớn số tiền xây chợ và việc xây TTTM đúng quy định hay không. Theo ông Dũng, không thể  bằng cách “Người dân khiếu nại, chính quyền trả lời" mà cần có cơ quan tài phán độc lập phán quyết.

Cũng theo LS Dũng : “Nếu phần lớn số tiền xây chợ là do người dân đóng góp thì chính quyền phải trực tiếp thu hồi đất theo pháp luật chứ không phải thông qua Ban Quản lý chợ. Mặt khác các quy định xây mới chợ theo quy định thì không được xây quá 4 tầng, nhưng việc xây TTTM đã vượt quá chiều cao cho phép”.

 

Thông Chí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm