Tiêu thụ chậm, doanh nghiệp lại đề xuất chính sách "ưu ái" riêng cho xăng E5
(Dân trí) - Mặc dù lượng xăng E5 bán ra gần đây tăng nhưng mức tăng chậm. Nên một số công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối đang đề xuất chính sách kích cầu bằng việc áp dụng mức chênh lệch giá bán lẻ giữa hai mặt hàng xăng E5 với RON95.
Tiêu thụ xăng E5: Có tăng nhưng tăng chậm
Mức chênh lệch được đề xuất vào khoảng 2.500 đồng mỗi lít.
Theo thống kê của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, sau hơn 4 tháng triển khai, lượng xăng E5 tiêu thụ đã có nhiều tín hiệu khả quan và tăng đáng kể so với giai đoạn mới thí điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Cụ thể, theo thống kê của doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là Petrolimex, tổng lượng xăng tiêu thụ của tập đoàn trong quý I/2018 vào khoảng hơn 1 triệu m3, đạt mức bình quân khoảng gần 360.000 m3 mỗi tháng.
Trong đó, sản lượng tiêu thụ xăng RON95 là hơn 190.000m3, số còn lại, gần 170.000m3 là của xăng E5. Tính riêng 15 ngày đầu tháng 4, tổng lượng xăng tiêu thụ của tập đoàn vào khoảng hơn 1,25 triệu m3, gồm 660.000 m3 RON95, còn lại hơn 592.000m3 là của xăng E5.
Là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex được coi là đơn vị quyết liệt trong việc đưa dòng xăng sinh học E5 ra thị trường. Số lượng cửa hàng xăng E5 của tập đoàn này đã chiếm khoảng 82% và số vòi bơm xăng E5 chiếm khoảng 50% tổng số vòi bơm trên toàn hệ thống.
Dù vậy, tập đoàn này cũng thừa nhận xu hướng tiêu dùng của người dân tại các vùng miền cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi ở miền Bắc, sức tiêu thụ xăng E5 đang chiếm tỷ trọng tới 60% thì khu vực miền Nam chỉ khoảng 30%. Còn miền Trung, xăng E5 chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ.
Tại miền Bắc, một số địa phương có tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 lớn, gồm Lai Châu chiếm 95%, Điện Biên 83%, Tuyên Quang khoảng 73%...
Khu vực phía Nam: Một số nơi tiêu thụ xăng E5 chỉ chiếm 15-25%
Nhưng ngược lại, tại khu vực phía Nam, một số khu vực sức tiêu thụ xăng E5 của Petrolimex chỉ chiếm từ 15% đến 25%, điển hình như Cần Thơ, Đồng Nai và TP HCM.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khác. Số liệu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng cho thấy, tỷ trọng xăng E5 tiêu thụ trong toàn hệ thống cũng đang chiếm khoảng 50%, với mức bình quân gần 50.000m3 mỗi tháng. Trong đó, khu vực miền Bắc và miền Trung đang chiếm tỷ trọng tiêu thụ lớn từ 60% đến 63%, trong khi, khu vực miền Nam, con số này vào khoảng 36%.
Các doanh nghiệp cho rằng, để tiến tới mục tiêu, xăng E5 trở thành mặt hàng tiêu thụ chủ yếu trên toàn hệ thống tập đoàn cũng như nhiều doanh nghiệp đầu mối khác vẫn còn rất nhiều khó khăn. Người dân chưa thực sự mặn mà, tin tưởng vào dòng xăng sinh học này bởi trong dư luận xã hội vẫn có những ý kiến trái chiều.
Bên cạnh đó, độ chênh lệch giá bán giữa xăng RON95 và E5 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng. Chưa kể, chi phí bồn chứa, vận chuyển và mức tiêu hao của xăng E5 cao hơn RON 95, khiến nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt.
Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Liên bộ Tài chính – Công Thương cần xem xét, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sức tiêu thụ xăng sinh học trong thời gian tới bằng việc tạo ra sự chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và RON95 đủ lớn để hấp dẫn người tiêu dùng.
Mức chênh lệch hợp lý giữa hai mặt hàng này vào khoảng 2.500 đồng mỗi lít thông qua thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, Bộ Tài chính được đề nghị cần có giải pháp xử lý khoản chênh lệch giữa thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp (đầu vào) lớn hơn số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp (đầu ra) của mặt hàng xăng E5 để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh xăng nhiên liệu sinh học…
Hồi tháng 3, các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ đối với mặt hàng xăng khoáng dùng để sản xuất xăng sinh học.
Cụ thể, trước năm 2016, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định mức thu đối với xăng A92 dùng để pha chế với thuế suất 10%. Xăng E5, E10 được pha với tỷ lệ tương ứng 95%, 90% với xăng A92 và 5%, 10% với cồn sinh học. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 1 lít xăng E5 là 9,5% và 9% đối với xăng E10.
Kể từ năm 2016, để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng xăng nhiên liệu sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đã được điều chỉnh xuống còn 8% còn mức 7% áp dụng đối với xăng E10. Doanh nghiệp căn cứ vào mức thuế kể trên và tỷ lệ xăng khoáng dùng để phối trộn ra nhiên liệu sinh học để tiến hoành khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính nhận thấy, các hãng xăng dầu đang phát sinh số thuế được khấu trừ quá lớn, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp tồn thuế để khấu trừ lên tới con số hàng chục tỷ đồng một tháng. Con số này được dự báo còn tăng cao hơn nhiều trong năm 2018 khi sản lượng xăng nhiên liệu sinh học tiêu thụ nhiều. Vì thế, Bộ Tài chính đang cân nhắc xử lý đối với khoản thuế này.
H.Anh