Thuế môi trường với xăng E5, doanh nghiệp hỏi một đằng, Bộ Tài chính trả lời một nẻo

(Dân trí) - Saigon Petro đề xuất giảm thuế môi trường đối với xăng nhiên liệu sinh học E5 nhằm kích cầu tiêu dùng. Đáp lại kiến nghị này, Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất tăng thuế môi trường kịch khung đối với các loại xăng khoáng.


Bộ Tài chính trả lời không đúng nội dung doanh nghiệp kiến nghị (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính trả lời không đúng nội dung doanh nghiệp kiến nghị (Ảnh minh họa)

Cụ thể, hôm 6/3/2018, Công ty TNHH Một Thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) có văn bản gửi Liên bộ Tài chính - Công Thương kiến nghị hai nội dung gồm cho bán lại dòng xăng RON92 – vốn bị khai tử từ đầu năm 2018 và đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 nhằm tạo ra sự chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng sinh học và xăng khoáng, qua đó, khuyến khích sức mua của người tiêu dùng.

Đáp lại kiến nghị này, ngày 10/4, tức hơn một tháng sau, Bộ Tài chính có văn bản 4142 trả lời với nội dung rất khó hiểu. Chẳng hạn, đối với kiến nghị cho phép bán lại xăng A92, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất này đã được Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản từ hôm 21/3 theo công văn số 2154.

Còn đối với đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5, Bộ Tài chính cho rằng, trong hệ thống thuế, mỗi sắc thuế có một mục đích điều chỉnh riêng. Và nếu thuế xăng khoáng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng sẽ giải quyết được câu chuyện chênh lệch về giá, qua đó, tăng sức hấp dẫn hơn đối với xăng E5.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, để khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định thuế suất ưu đãi đối với xăng sinh học E5 (5% ethanol), E10 (10% ethanol) như sau: mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7%. Như vậy, trường hợp xăng khoáng và xăng E5 cùng một giá tính thuế thì giá xăng E5 đang thấp hơn giá xăng khoáng là 3%.

Trong khi đó, Luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành quy định chỉ thu đối với xăng dầu gốc hóa thạch (xăng khoáng), không thu thuế đối với ethanol. Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch (thường gọi là xăng dầu sinh học) thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường theo tỷ lệ xăng dầu gốc hóa thạch có trong xăng dầu sinh học.

Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 3.000 đồng/lít, theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 150 đồng/lít. Nếu quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 4.000 đồng/lít thì đối với xăng E5 thấp hơn xăng khoáng là 200 đồng/lít, giảm 50 đồng/lít so với hiện hành. Từ đó sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng khoáng.

"Như vậy, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cùng với giải pháp khác như quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với xăng sinh học sẽ góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng dầu sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường", Bộ Tài chính nhấn mạnh trong văn bản của mình. Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định: Việc quy định mức thuế "bảo vệ môi trường ưu đãi" đối với xăng dầu sinh học tại Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường là chưa phù hợp.

Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực này cho rằng có vẻ như Bộ Tài chính “khao khát” tăng thuế đến mức cố tình “cài cắm” thông điệp này vào văn bản do mình ban hành. Điều này vô tình đã tạo ra cái sự rất nực cười là “doanh nghiệp hỏi một đằng, Bộ trả lời một nẻo”.

Thực tế thì ai cũng biết, Bộ Tài chính là tác giả của đề án tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng khoáng từ mức 3.000 đồng hiện nay sẽ tăng lên 4.000 đồng một lít. Đề xuất tăng thuế này cũng đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong vài tháng qua. Chưa kể, dư luận đang rất bức xúc khi Bộ này khẳng định “đa số ý kiến người dân đồng thuận với đề xuất tăng thuế”, trong khi, theo ý kiến của hàng triệu người dùng trên mạng xã hội thì – họ không hề được hỏi và cũng chẳng đồng tình với việc tăng thuế.

Trong đề án điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng khoáng từ mức 3.000 đồng lên 4.000 đồng, Bộ Tài chính lý giải mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cụ thể, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu năm 2016 từ ASEAN là 5,8 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2015; từ Trung Quốc là 898 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2015 . Năm 2017, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường này tiếp tục giảm, trong đó từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, hiện nay giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices mới đây thì giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng thứ vị trí 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia với mức giá là 18.580 đồng/lít, thấp hơn Lào 5.304 đồng/lít, Campuchia 2.988 đồng/lít, Trung Quốc 1.650 đồng/lít.

H.Anh

Thuế môi trường với xăng E5, doanh nghiệp hỏi một đằng, Bộ Tài chính trả lời một nẻo - 2