1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tiêu dùng Thủ đô sẽ tăng trên 30% dịp cuối năm

(Dân trí) - Theo dự báo của Sở Thương mại Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô sẽ tăng trên 30% trong thời điểm cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007.

Sáng nay, 8/12, Sở Thương mại Hà Nội đã cùng với các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tổ chức họp bàn đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân để các doanh nghiệp có cơ sở chuẩn bị tốt mọi nguồn hàng.

Nhiều mặt hàng tăng từ 10-15%

Nhận định của Sở Thương mại Hà Nội cho thấy, năm 2006, thị trường trong nước phát triển trong điều kiện gặp không ít khó khăn: Thời tiết thay đổi bất thường, mưa bão xảy ra nhiều nơi; dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại ở một số tỉnh thành, dịch bệnh rầy nâu trên lúa hoành hành tại 21 tỉnh thành phía Nam làm giảm sản lượng lúa, khiến các mặt hàng lương thực, thực phẩm vào những tháng cuối năm 2006 đều tăng.

Trong quý 4/2006, giá cả các mặt hàng lương thực tăng từ 9-10%, thịt lợn tăng từ 12 - 14%, thịt bò tăng từ 7 - 8%, thịt gà ta (mỗ sẵn) tăng từ 10 - 12%, các loại hải sản tăng từ 13 - 15%, các loại rau củ quả đều tăng từ 1.000đ - 2.000đ/kg… so với cùng kì năm 2005.

Do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô duy trì ở mức cao, thu nhập người lao động và các nhu cầu cho sản xuất, đời sống tăng cao, lượng khách du lịch đến Hà Nội và người Việt Nam ở nước ngoài về quê ăn Tết sẽ tăng cao so với năm 2005; đặc biệt là khi Việt Nam đã chính thức tham gia vào WTO. Vì vậy theo dự báo, mặc dù giá cả các mặt hàng tăng, nhưng sức mua của dân cư cũng sẽ tăng cao trên 30% trong thời điểm cuối năm và trong dịp Tết Nguyên.

Chính vì thế, theo Sở Thương mại Hà Nội, lượng hàng hoá thiết yếu dự kiến mà các đơn vị, các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị phục vụ trong tháng Tết trên thị trường Hà Nội như sau: 20.000 - 21.000 tấn gạo, 10.000 - 12.000 tấn thịt lơn, 1.800 - 2.000 tấn thịt bò, 3.000 - 3.500 tấn thuỷ hải sản, 38.000 - 40.000 tấn rau quả các loại, 1.300 - 1.500 tấn bánh mứt kẹo các loại, 2.800 - 3.000 tấn bánh chưng, 10.000.000 - 12.000.000 chai rượu-bia-nước ngọt các loại...

Nỗi lo hàng nhái - hàng giả

Tránh tình trạng thiếu hụt hoặc ứ đọng hàng hoá, Phó Giám đốc Sở Thương mại Phạm Bá Dục yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, các trung tâm, siêu thị, hợp tác xã thương mại - dịch vụ trên địa bàn phải thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường giá cả, cung cầu hàng hoá, dự báo thời tiết, kịp thời điều chỉnh kế hoạch khi có biến động của thị trường.

“Hàng hoá cần tập trung khai thác từ các nhà sản xuất, cung cấp có uy tín, chất lượng cao, phong phú về mẫu mã và chủng loại hàng hoá. Không kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ”- ông Dục nhấn mạnh.

Cùng với lo ngại của Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, đại diện của các tổng công ty, các công ty và Hội siêu thị Hà Nội cũng hết sức băn khoăn về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đăng kí tại các hội chợ Xuân.

Đại diện cho các siêu thị, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đề xuất với Sở Thương mại Hà Nội nên có quỹ vay ngân hàng với nguồn vốn vay ít nhất 100 tỉ đồng (vay không lãi suất) để có nguồn dự trữ hàng hoá, tránh tình trạng đầu cơ, “cháy” hàng sau những dịp thiên tai, hay mỗi khi Thủ đô có các lễ hội lớn.

Theo ông Phú: “Nên áp dụng biện pháp “ngăn sông cấm chợ” đối với các nguồn hàng thực phẩm như gà, lợn, bò… đưa về Hà Nội không có dấu kiểm dịch được chuyên chở trên những chiếc xe máy vào đêm và sáng sớm. Các lực lượng chức năng, lực lượng quản lý thị trường phải đi vào từng ngóc ngách quản lý, vào từng ngõ xóm mới mong việc điều hành hàng Tết diễn ra suôn sẻ”.

Nguyễn Hiền