Tiết lộ "túi tiền" đầy-vơi của các đại gia Việt

(Dân trí) - Kết quả kinh doanh vô cùng khởi sắc với doanh thu "khủng" của các đại gia Việt; giá cổ phiếu của các "ông lớn" ngành thép, ngân hàng cũng chứng kiến xu hướng tăng mạnh trong tuần qua.

Đại gia Trịnh Văn Quyết có động thái mới

Tuần qua, một động thái mới liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết là việc, Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong đó thể hiện mong muốn các cổ đông chấp thuận cho một số cổ đông lớn của công ty nhận chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến việc sở hữu đạt các mức theo quy định của pháp luật mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Đáng chú ý, trong tờ trình chỉ có hai cổ đông lớn được đề xuất có thể nhận chuyển nhượng mà không cần chào mua công khai là ông Trịnh Văn Quyết và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết chính là cổ đông lớn nhất và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC.

Trước đó, hồi tháng 3, ông Trịnh Văn Quyết cũng đã mua vào 1,1 triệu cổ phiếu GAB, trở thành cổ đông lớn của FLC GAB với tỷ lệ sở hữu 7,97%. Tập đoàn FLC  là cổ đông sáng lập góp 40 tỷ đồng trong tổng số vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng của GAB. Hiện tập đoàn này đang nắm giữ 1,24 triệu cổ phiếu GAB, tương đương 8,99% vốn điều lệ.

Đại gia Hồ Hùng Anh “làm vụ lớn”

Techcombank của ông Hồ Hùng Anh tuần qua đã trở thành tâm điểm tuần qua khi tốc độ tăng giá cổ phiếu đạt gần 9%. Theo dự đoán của chuyên gia, đà tăng và sự đột biến trong giao dịch của TCB nhiều khả năng xuất phát từ chính sách ESOP của ngân hàng này.

Theo đó, giữa tháng 10, Hội đồng quản trị Techcombank đã thông qua việc phê duyệt triển khai chi tiết phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phần có lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Tiết lộ túi tiền đầy-vơi của các đại gia Việt - 1
Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch Techcombank

Ngân hàng do của Chủ tịch Hồ Hùng Anh dự kiến phát hành 4,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (ngang mệnh giá và chưa bằng phân nửa mức thị giá mà TCB đang được giao dịch trên thị trường), chiếm tỷ lệ 0,14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Trong số này có 482.129 cổ phiếu dành cho người lao động nước ngoài và 4,3 triệu cổ phiếu dành cho người lao động Việt Nam. Số cổ phiếu ESOP này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. 

Với mức giá ưu đãi lớn, người lao động của Techcombank sẽ thu về khoản lợi nhuận đáng kể.

Đại gia Chu Thị Bình gặp rắc rối lớn ở Mỹ

Thông tin mới cập nhật cho hay, ngày 13/10 vừa qua, Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) đã dựa theo Đạo luật Thực Thi và Bảo Hộ (EAPA) và công bố kết luận: sản phẩm tôm đông lạnh do tập đoàn Minh Phú của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là đối tượng chịu thuế theo Lệnh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ.

Nguyên nhân được CBP cho hay, đó là bởi Minh Phú của vợ chồng đại gia Chu Thị Bình đã không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu bởi CBP, để chứng minh được rằng công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ để xuất khẩu đi Hoa Kỳ.

Song, trong thông cáo phát ra ngày 22/10, phía Minh Phú của vợ chồng đại gia Chu Thị Bình cho biết, công ty đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra và đã chứng minh rõ cách mà chúng tôi xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, để đảm bảo rằng chỉ có tôm Việt Nam mới được xuất đi Hoa Kỳ. Nhưng CBP đã không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa.

Chính bởi vì Minh Phú không tuân theo phương pháp mà CBP yêu cầu, nên CBP đã áp dụng những “dữ kiện bất lợi sẵn có” và kết luận rằng Minh Phú đã vi phạm đạo luật EAPA.

Minh Phú của vợ chồng đại gia này cũng cho hay, ngay từ cuối tháng 7/2019, Minh Phú đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, bởi vì tin rằng nguồn nguyên liệu trong nước hoàn toàn có khả năng cung ứng đầy đủ và liên tục cho các nhà máy của Minh Phú.

Hoàng kim trở lại với các "ông trùm" ngành thép

Giới phân tích cho rằng, EVFTA và CPTPP đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn.

Cũng nhờ thế, Hoà Phát của đại gia Trần Đình Long vừa báo doanh thu tăng gần 63% lên 24.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.785 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử của doanh nghiệp này.

Tiết lộ túi tiền đầy-vơi của các đại gia Việt - 2

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát và ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Không chỉ Hoà Phát, doanh thu tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ trong niên độ (từ ngày 1/10/2019-30/9/2020) ước đạt 27.538 tỷ đồng, hoàn thành 98,4% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và gấp 2,8 lần chỉ tiêu kế hoạch năm và chính thức đưa tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ trở lại “câu lạc bộ nghìn tỷ” ở Việt Nam.

Kết quả kinh doanh tốt cũng giúp giá cổ phiếu của 2 ông lớn tăng mạnh trong tuần qua khiến giá trị tài sản của ông Trần Đình Long cán mốc 1,5 tỷ USD.