Tiết lộ chương trình nghị sự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), góp phần thể hiện tầm vóc APEC đi đầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực…

21 nhà lãnh đạo APEC sẽ họp bàn gì?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch SOM APEC Việt Nam - cho biết, Hội nghị Cấp cao APEC là sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC. Dự kiến, các nhà lãnh đạo Kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong suốt cả năm và định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong những năm tiếp theo.

Với ý nghĩa đó, chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của Diễn đàn, góp phần thể hiện tầm vóc APEC đi đầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Trong Tuần lễ Cấp cao cũng diễn ra nhiều hoạt động với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực. Đây là điểm đặc biệt của APEC so với hội nghị thượng đỉnh của các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế khác, thể hiện sự gắn bó mật thiết của APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

Vai trò chủ nhà APEC của Việt Nam

Nói về những kết quả nổi bật đã đạt được trong Năm APEC Việt Nam 2017, nhất là việc thực hiện 4 ưu tiên mà Việt Nam đã đặt ra, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, chúng ta tiếp tục chứng kiến nhiều chuyển biến nhanh và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tích cực hơn song về dài hạn còn nhiều rủi ro, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng.

Với vai trò là chủ nhà, Việt Nam đã tiếp tục dẫn dắt, thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên thông qua việc xây dựng và đồng thuận thông qua các sáng kiến cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực với lợi ích của người dân và doanh nghiệp như phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển du lịch bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, sáng tạo và bền vững, phát triển đô thị - nông thôn, an ninh lương thực, thúc đẩy khởi nghiệp, phụ nữ và kinh tế…

Bên cạnh đó, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, và triển khai các bước chuẩn bị cho xây dựng tương lai APEC sau năm 2020 cũng được các thành viên hưởng ứng tích cực và cùng đồng hành thúc đẩy.

Tất cả các kết quả này đều gắn với việc thực hiện 4 ưu tiên của Năm APEC 2017, và hướng tới mục tiêu tạo ra động lực mới cho tăng trưởng ở khu vực và đưa hợp tác APEC gần hơn tới người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, là tiền đề quan trọng, góp phần làm rõ hơn những nội dung mà các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC sẽ thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Việt Nam trong vai trò là chủ nhà Năm APEC 2017 đã tiếp tục dẫn dắt và thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên
Việt Nam trong vai trò là chủ nhà Năm APEC 2017 đã tiếp tục dẫn dắt và thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, cho đến thời điểm này những đóng góp của Việt Nam đều có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với tiến trình hợp tác APEC.

Tầm quan trọng của APEC

Đề cập về tầm quan trọng của APEC với Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: Mỗi một cơ chế hợp tác đều đem lại giá trị nhất định cho Việt Nam và APEC cũng vậy.

Kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998, Diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và đưa hội nhập kinh tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.

“Tham gia APEC góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Các hội nghị APEC tổ chức hàng năm là dịp để các thành viên tiếp xúc, gặp gỡ song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh