Tiết kiệm, chống lãng phí: Hàng loạt bộ ngành "lờ" báo cáo, TPHCM gửi số liệu từ… năm 2016

(Dân trí) - Hiện tượng nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng kết, đánh giá và nhiều báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả dẫn đến báo cáo của Chính phủ không thể đánh giá được đầy đủ, toàn diện tình hình, nhất là các vi phạm, sai sót.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Ngày 12/4/2018, Bộ Tài chính có công văn số 4261/BTC-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phê bình một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 12/4/2018 còn 15 Bộ, ngành ở Trung ương; 17 tỉnh, thành phố; 17 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước chưa gửi Chương trình năm 2017 về Bộ Tài chính. 4 Bộ, cơ quan ở Trung ương, 12 địa phương (UBND cấp tỉnh), 13 tập đoàn, tổng công ty chưa gửi Báo cáo kết quả năm 2017 về Bộ Tài chính.

Đáng lưu ý, UBND thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn gửi nhầm Báo cáo Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của năm 2016; một số cơ quan ở Trung ương đã gửi Báo cáo năm 2017 về Bộ Tài chính, nhưng nội dung báo cáo không có số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm, lãng phí trong quản lý ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và trong các lĩnh vực khác theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để chấn chỉnh việc tuân thủ nghiêm túc các quy định, Bộ Tài chính đã dự thảo Văn bản trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và chậm báo cáo kết quả năm 2017.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 23 (sáng 12/4/2018) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: “Ngay ngày hôm nay chúng tôi sẽ trình Thủ tướng văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chưa có báo cáo và chưa có chương trình hành động Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho biết, có một thực tế rằng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình dẫn đến nhiều tháng đầu năm không có căn cứ cụ thể để triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác. Hiện tượng nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi Chương trình để Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi; không gửi báo cáo kết quả để tổng kết, đánh giá và nhiều báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả dẫn đến báo cáo của Chính phủ chủ không thể đánh giá được đầy đủ, toàn diện tình hình, nhất là các vi phạm, sai sót.

Trước thực trạng này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng băn khoăn “Chính phủ cho biết bên cạnh nhiều nơi chưa gửi báo cáo thì không ít báo cáo, trong đó có cả báo cáo của Văn phòng Chính phủ không có số liệu về tiết kiệm, chống lãng phí. Vậy thì những báo cáo này có số liệu gì?”.

Bà Hải cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ, cần bổ sung, làm lại và gửi lại cho Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng do nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa “ăn sâu” mà báo cáo của Chính phủ lại chưa thấy chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm.

Phương Dung

Tiết kiệm, chống lãng phí: Hàng loạt bộ ngành "lờ" báo cáo, TPHCM gửi số liệu từ… năm 2016 - 2