1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiếp tục tranh cãi “nảy lửa” chuyện gọi Uber, Grab là gì?

(Dân trí) - Sau gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, Grab, Uber đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người dùng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc định danh và quản lý loại hình vận tải mới này như thế nào vẫn khiến cơ quan quản lý còn nhiều “lúng túng”.

Việc định danh Uber, Grab là taxi đã nhận được không ý kiến trái chiều.
Việc định danh Uber, Grab là taxi đã nhận được không ý kiến trái chiều.

Triệt tiêu ưu điểm nếu gọi Uber, Grab là taxi

Mới đây, việc Bộ GTVT hay Sở GTVT Hà Nội đều đề xuất việc định danh Uber, Grab là taxi đã nhận được không ý kiến trái chiều.

Đại diện phía Grab thẳng thắn cho rằng, nếu định danh Grab là công ty taxi thì “không chỉ phủ nhận nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0”.

Tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải” vừa diễn ra, vấn đề này lại tiếp tục một lần nữa “nóng” lên.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc định danh các xe hợp đồng Uber, Grab là taxi, đồng thời quản lý các loại xe đó giống như xe taxi, như là có mào xe, có đồng hồ tính tiền sẽ dẫn tới hai hậu quả.

Thứ nhất, sẽ biến hàng chục nghìn xe hợp đồng đang sử dụng ứng dụng trung gian của Uber, Grab trở thành xe taxi.

Thứ hai, triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc không hơn không kém. Và theo đó, các đơn vị vận tải hợp đồng không được hưởng thành quả tiến bộ của công nghệ mới để tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Ông Long cho biết, thế giới coi dịch vụ của Uber là một loại dịch vụ trong lĩnh vực vận tải, chứ không phải là một “phương thức kinh doanh vận tải” như vận tải bằng taxi, vận tải hợp đồng ở Việt Nam.

“Trên thực tế, xét về vai trò của dịch vụ Grab/Uber trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải ở Việt Nam thì gọi tên dịch vụ này là “dịch vụ kết nối vận tải” là phù hợp nhất. Dịch vụ này có thể kết nối cho cả xe hợp đồng, cả xe taxi cũng như vận tải hàng hóa”, ông Long nói và cho rằng, chúng ta phải cởi mở hơn với cái mới.

TS. Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng tình cho rằng cần phải hết sức cởi mở với xu hướng mới vì dù chúng ta “không cởi mở cũng không được”.

“Đâu có các nước còn có quan điểm khác nhau về vấn đề Uber, Grab. Nhưng Việt Nam thì cần có quan điểm riêng, thậm chí đi tiên phong trong lĩnh vực này. Không có lý do gì phải đợi Singapore, Malaysia… “đi” rồi mình mới “đi” theo. Tại sao mình không làm để cho Singapore sang đây học mình?”, ông Hiếu nêu quan điểm.

"Xu hướng bây giờ, các nhà đầu tư không kinh doanh từ đầu đến cuối nữa. Họ chỉ chọn kinh doanh một hay một số trong nhiều các công đoạn đó. Như Uber, họ chỉ kinh doanh dịch vụ kết nối thôi. Sau đó như tôi chẳng hạn, có thể mua hàng trăm xe rồi thuê lái xe và kết nối với Uber”, ông Hiếu nói.

Taxi truyền thống muốn "công bằng" với Uber, Grab

Trong khi đó, đại diện một hãng taxi lớn trong TP.HCM - ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun cho rằng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cần làm rõ hơn hơn về khái niệm hợp đồng điện tử.

Theo vị này, hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao dịch chứ không phải loại hình hay mô hình kinh doanh.

“Nhiều ý kiến còn cho rằng gọi xe hợp đồng điện tử là đánh tráo khái niệm vì làm gì có xe một ngày chạy mấy chục hợp đồng. Nguyên nghĩa xe hợp đồng là xe bao cả chuyến, theo lộ trình, theo một thời gian nhất định. Còn ở đây, khái niệm mơ hồ đã tạo ra lối mở cho Grab, Uber ào ạt tung xe ra thị trường mà không ai kiểm soát được cả về số lẫn chất lượng”, ông Quý nói.

Trước đó, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM đồng thời làm Phó Tổng giám đốc cũng từng phát biểu trên báo chí cho rằng nếu chúng ta định danh Uber và Grab là taxi công nghệ thì trước hết các công ty này phải là taxi, phải đáp ứng điều kiện của taxi.

“Còn chuyện đặt xe qua mạng, qua tổng đài hay vẫy trên đường chỉ là phương thức. Thanh toán qua thẻ hay trực tiếp cũng chỉ là phương thức. Chúng ta quản thế nào để nắm được tổng quan về thu nhập của doanh nghiệp, của lái xe vì đó là cơ sở tính thuế. Có thể trực tuyến về Tổng cục Thuế hoặc về Bộ GTVT thì mới có thể quản được”, ông Hỷ nói.

Về việc nhận diện thương hiệu, ông Hỷ nêu quan điểm: Đừng cho rằng nếu mở cửa hội nhập, áp dụng 4.0 là phải thế này, thế kia mà chính sách phải trên cơ sở bảo vệ chủ quyền, bảo đảm trật tự xã hội.

“Ví dụ xe chạy trên đường phải biết là xe gì để quản lý. Nếu không dán logo, không có nhận diện thì làm sao tôi biết ông đang chở khách. Chúng tôi đề nghị taxi công nghệ phải dán logo. Mà thậm chí là 2 logo. Ví dụ anh chạy cho HTX Quyết Tiến và Grab, anh phải dán logo của cả hai thương hiệu trên”, ông Hỷ nói.

Trong một diễn biến khác, Grab vừa chính thức thông báo việc hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Phía Grab khẳng định, đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Theo đó, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Từng là hai “tay to” trong cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam, nay Uber “về tay” Grab dự báo sẽ gây nhiều xáo trộn thị trường.

Nguyễn Khánh

Tiếp tục tranh cãi “nảy lửa” chuyện gọi Uber, Grab là gì? - 2

Dòng sự kiện: Grab thâu tóm Uber

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm