1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tiền vào chứng khoán đột ngột "mất hút"

Mai Chi

(Dân trí) - Giao dịch trên thị trường trong phiên hôm nay tương đối "buồn ngủ". Thực tế là với diễn biến khó lường của chỉ số trong những phiên gần đây, hoạt động giao dịch ngắn hạn dễ gặp rủi ro.

Thanh khoản phiên giao dịch 27/6 bất ngờ tụt dốc mạnh. Tiền vào thị trường nhỏ giọt. Suốt cả phiên, giá trị giao dịch trên sàn HoSE chỉ dừng lại ở mức 15.173,27 tỷ đồng với khối lượng giao dịch đạt 596,98 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch trên HNX là 46,61 triệu đơn vị tương ứng 955,96 tỷ đồng; trên UPCoM là 41,37 triệu cổ phiếu tương ứng 795,89 tỷ đồng.

Giao dịch trầm lắng trong bối cảnh thị trường giằng co và phần lớn thời gian các chỉ số vận động dưới đường tham chiếu. VN-Index đóng cửa giảm 2,15 điểm tương ứng 0,17% còn 1.259,09 điểm; VN30-Index giảm 2,27 điểm tương ứng 0,18%; HNX-Index ngược lại tăng 0,39 điểm tương ứng 0,16% và UPCoM-Index giảm 0,37 điểm tương ứng 0,38%.

Mức độ điều chỉnh của các chỉ số mạnh nhất vào cuối phiên sáng và đầu phiên chiều, dù vậy, lực bán ra không quyết liệt, nhờ vậy, thiệt hại đã được thu hẹp đáng kể vào cuối phiên.

Tiền vào chứng khoán đột ngột mất hút - 1

Diễn biến VN-Index tương đối khó chịu trong phiên 27/6 (Nguồn: DNSE).

Độ rộng thị trường chỉ nghiêng nhẹ về phía các mã giảm. Có tất cả 446 mã giảm giá trên toàn thị trường, 19 mã giảm sàn so với 403 mã tăng giá, 23 mã tăng trần. Đồng thời, có đến 616 mã không hề diễn ra giao dịch nào trong phiên.

VPB là cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất phiên song khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 25 triệu cổ phiếu. Kế đến là DIG với 13,6 triệu cổ phiếu giao dịch, TCB với 12,3 triệu cổ phiếu; SHB với 11,5 triệu đơn vị.

Diễn biến thị trường trong phiên này tương đối buồn ngủ. Thực tế là với biến động khó lường của chỉ số trong những phiên gần đây, hoạt động giao dịch (trading) ngắn hạn của nhà đầu tư tương đối rủi ro, khó có lãi lớn. Có những mã sáng tăng giá nhưng chiều đã quay đầu giảm, phiên trước vừa "cháy hàng", đặt mua giá trần cũng khó khớp lệnh nhưng phiên sau đó đã điều chỉnh sâu.

Hầu hết nhóm ngành đều chứng kiến sự phân hóa của các cổ phiếu. Chẳng hạn tại nhóm ngân hàng, trong khi MSN, HDB, NAB, EIB tăng giá thì phía giảm có TCB, SSB, STB, BID, TPB, ACB, PVB, SHB… Tuy vậy, mức độ chênh lệch trong nhóm ngành này là không lớn

Tại ngành dịch vụ tài chính, trong khi TCI bật tăng 4,2%, EVF tăng 3,3% thì APG giảm 3,7%; CTS giảm 2,9%; VDS giảm 2,4%; VND giảm 1,8%.

Tiền vào chứng khoán đột ngột mất hút - 2

Thanh khoản thị trường sụt mạnh phiên 27/6 (Nguồn: VNDS).

Riêng cổ phiếu ngành bất động sản phân hóa khá mạnh. TDC tăng trần và trắng bên bán; TIP tăng 5,1%; QCG tăng 4,7%; HAR tăng 3,9%; DIG tăng 3,4%; HTN tăng 2,1%; LHG tăng 1,9%. Chiều ngược lại, NVT giảm 5,5%; VPH giảm 4,9%; DTA giảm 3%; ITC giảm 2,9%; SGR giảm 2,8%. Cổ phiếu VRE điều chỉnh 1,9%; VIC giảm 0,5% còn VHM tăng nhẹ 0,3%.

Theo đánh giá của TS. Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE - nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực với những số liệu khả quan từ FDI. Số liệu FDI 5 tháng đầu năm đạt 8,2 tỷ USD, giải ngân FDI vẫn duy trì đà tăng 7,8%, đặc biệt vốn đăng ký cấp mới tăng hơn 50% so với cùng kỳ.

Chuyên gia của DNSE cho rằng, xu hướng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như hạ tầng ở Việt Nam đang cải thiện đáng kể giúp giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp, là những tiêu chí góp phần gia tăng FDI vào Việt Nam.

Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất cho thuê lớn, có vị trí thuận lợi cho logistic sẽ hứa hẹn có nhiều dư địa, và tiềm năng tăng trưởng trong nửa cuối năm nay.