Tiền số Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp Việt?
Tiền kỹ thuật số là xu hướng toàn cầu, do vậy cơ quan chức năng cần xây dựng hành lang pháp lý để đưa vào quản lý.
Trung Quốc (TQ) đã bắt đầu đưa ra một đồng tiền mới có thể làm thay đổi ý nghĩa tiền tệ. Đó là đồng nhân dân tệ thuật số (DCEP), hay còn gọi là phiên bản nâng cấp của đồng nhân dân tệ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vốn có sự giao thương chặt chẽ với TQ nên cần nghiêm túc xem xét hình thái tiền tệ mới này để nắm bắt các cơ hội và đối phó với những thách thức, rủi ro.
Được vận hành như tiền giấy
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, sau nhiều năm nghiên cứu, đến tháng 5 vừa qua, TQ đã chính thức cho thử nghiệm thanh toán DCEP. Đây là đồng tiền kỹ thuật số dựa trên trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và kỹ thuật số, nhưng vẫn là đồng tiền định danh được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi Ngân hàng Trung ương TQ.
“Chính xác hơn, DCEP được coi là phiên bản nâng cấp của đồng nhân dân tệ của TQ với nhiều chức năng hơn đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của ngân hàng trung ương trong nền kinh tế số. DCEP được vận hành như tiền giấy thông thường, chỉ khác là tồn tại dưới dạng kỹ thuật số trong ví điện tử được chính quyền công nhận” - ông Lực cho biết.
Hiện Ngân hàng Trung ương TQ đang phối hợp với một số ngân hàng và các công ty triển khai tại các thành phố như Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu và Bảo Định. Nhân viên nhà nước tại các thành phố này đã bắt đầu nhận lương bằng tiền kỹ thuật số.
Trước mắt, loại tiền được dùng để thanh toán cho các phương tiện giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn…, sau đó sẽ mở rộng ra các đối tượng khác. Đáng chú ý, đồng kỹ thuật số giúp người dân nước này hạn chế tiếp xúc với tiền giấy nhằm tránh lây nhiễm bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhìn nhận sự ra đời của tiền ảo đã buộc nhiều nước phải có những nghiên cứu nghiêm túc tạo ra cuộc cách mạng cho tiền giấy. Và việc TQ phát hành đồng tiền kỹ thuật số thông qua giá trị đồng nhân dân tệ để nhanh chóng bám sát các xu hướng mới, thuận tiện hơn trong việc thanh toán.
“Tuy nhiên, cần lưu ý đồng tiền số này không chỉ đơn giản là giải pháp thanh toán điện tử. Nó là hình thức kỹ thuật số của đồng tiền định danh, có nghĩa giá trị được đảm bảo bởi chính phủ và được quản lý, kiểm soát bởi ngân hàng trung ương. Do đó, giá trị một đồng tiền số tương đương một đồng tiền giấy nhân dân tệ” - ông Hải phân tích.
Hết sức thận trọng
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, ở thời điểm này đồng tiền DCEP chưa gây quan ngại vì Việt Nam chưa cho phép thanh toán đồng tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, đây là xu hướng toàn cầu, nên Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, đánh giá cũng như xây dựng khuôn khổ pháp luật để đưa vào quản lý.
Dưới góc nhìn của mình, ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, cho rằng hiện nay người dân TQ đã quen thanh toán đồng tiền số qua ứng dụng WePay. Thậm chí ngay tại khu China Town trên đất Mỹ, người TQ cũng sử dụng mạnh hình thức thanh toán này.
“Cơ quan chức năng Việt Nam cũng nên nghiên cứu cho ra đời đồng tiền số Việt Nam để trao đổi, nhằm thúc đẩy giao dịch nhanh hơn. Thêm nữa, vì sự hữu dụng và phổ biến đồng tiền số tại TQ, nếu các nhà kinh doanh Việt Nam muốn tiếp cận nhiều hơn khách hàng TQ thì hơn lúc nào hết đẩy nhanh số hóa trong hoạt động thanh toán” - ông Hải gợi ý.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng việc TQ cho ra mắt đồng tiền số DCEP không sớm thì muộn cũng có khả năng tác động đến doanh nghiệp Việt vì mối quan hệ giao thương lớn giữa hai nước, nhất là các đơn vị kinh doanh thường xuyên buôn bán với TQ. Đó là chưa kể với đồng tiền kỹ thuật số, người dân các nước có thể dễ dàng giao dịch trực tiếp với TQ với chi phí rất rẻ và không bị mất tiền khi trao đổi ngoại tệ.
“Nhìn dưới hệ quy chiếu này, phải hết sức cẩn trọng khi có các giao dịch theo kiểu này. Lý do là Việt Nam sẽ không được hưởng các giá trị lợi ích từ các giao dịch này mà về thẳng TQ, một cách tương tự du khách TQ vào Việt Nam du lịch nhưng thanh toán chảy thẳng về đất nước của họ” - một chuyên gia cảnh báo.
TS Cấn Văn Lực phân tích có thể xảy ra rủi ro kỹ thuật trong quá trình thực hiện giao dịch của đồng tiền kỹ thuật số như rủi ro hackers xâm nhập hệ thống, ảnh hưởng đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng. Do vậy, Việt Nam cần đánh giá tác động của việc TQ triển khai đồng DCEP và kể cả các nước phát hành đồng tiền kỹ thuật số khác.
Đồng thời, cần đánh giá tổng thể, bài bản, thường xuyên về sự phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp từ TQ. Từ đó để có kế hoạch, kịch bản ứng phó khi đồng DCEP được TQ sử dụng rộng rãi, trong cả thanh toán và đầu tư quốc tế. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch ứng phó với sự phát triển của đồng DCEP trong thanh toán biên mậu và du lịch giữa Việt Nam và TQ.
“Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, công nghệ tài chính, thanh toán di động, cho vay ngang hàng” - ông Lực nhấn mạnh.
Tiền kỹ thuật số khác với tiền ảo
Theo nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, đồng tiền DCEP khác khá nhiều với các tiền số khác như bitcoin. Giá trị của bitcoin được định hình do thuật toán và kỳ vọng thị trường nhưng đồng DCEP đại diện giá trị đồng tiền pháp định với mục tiêu chính là thay thế tiền giấy.
Trong tương lai, xu thế phát triển tài sản ảo, tiền kỹ thuật số là tất yếu khách quan, đặc biệt là tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành. Do đó, một điểm cốt yếu cần lưu ý là cần có cách tiếp cận mở song vẫn kiểm soát được rủi ro.
“Ngân hàng Nhà nước nên có lộ trình nghiên cứu, đánh giá những lợi ích và rủi ro của các loại tiền này mang lại; xác định cách tiếp cận phù hợp đối với tiền kỹ thuật số và có lộ trình, giải pháp quản lý phù hợp” - nhóm tác giả trên khuyến nghị.
Theo Phương Minh
Pháp luật TPHCM