Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: "Tập trung thích nghi với chuyển đổi chứ không nên lội ngược dòng"

(Dân trí) - Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn hỗn loạn. Khi nền kinh tế toàn cầu đang biến động, chúng ta cần tập trung thích nghi với chuyển đổi chứ không nên lội ngược dòng.

Xuất khẩu tăng chậm do phụ thuộc vào nước ngoài

Báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đã chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất khẩu của Việt Nam tăng chậm.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Tập trung thích nghi với chuyển đổi chứ không nên lội ngược dòng - 1
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc (ảnh minh hoạ)

Nguyên nhân thứ nhất là bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu mang tính chu kỳ, kéo theo sự suy giảm thương mại chung trên thế giới. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là yếu tố tác động làm suy giảm hoạt động thương mại trên thế giới. Minh chứng điển hình là mức tăng trưởng xuất khẩu 7,3% so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam là thấp hơn so với nhiều năm trong giai đoạn 2011 – 2018.

Nguyên nhân thứ hai là xuất khấu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào khu vực FDI. Điển hình là xuất khẩu của các tập đoàn lớn như Samsung hay Formosa có giá trị đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu bình quân 1 quý của cả nước.

Nếu như những năm trước, xuất khẩu mặt hàng điện thoại (trong đó có Samsung) thường tăng ở tỷ lệ hai con số thì 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này chỉ tăng trưởng ở tỷ lệ 4%.

Nguyên nhân thứ ba là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam gặp khó khăn hơn so với các năm trước. Đối với một số mặt hàng, xuất khẩu sụt giảm cả về lượng và giá trong khi đối với một số mặt hàng khác thì giá xuất khẩu giảm.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Tập trung thích nghi với chuyển đổi chứ không nên lội ngược dòng - 2
Buổi Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019” vừa được Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức vào chiều 22/7.

Thêm nữa, xuất khẩu nông sản của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cho nên, khi kinh tế Trung Quốc suy giảm và yêu cầu về tiêu chuẩn nhập hàng nông sản vào thị trường này khắt khe hơn, kéo theo suy giảm xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Chính vì tăng trưởng xuất khẩu của nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài nên các chuyên gia kinh tế cho rằng, hạn chế sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào khu vực kinh tế nước ngoài là vấn đề cần phải được thực hiện, để nguồn lực trong nước thật sự trở thành “tấm đệm” chống đỡ cho nền kinh tế trước những cú sốc kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Cần tập trung thích nghi

Chia sẻ tại buổi Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019” vừa được tổ chức ở TPHCM, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng, nền kinh tế hiện nay đang bước vào giai đoạn hỗn loạn. Mà chinh phục sự hỗn loạn lại chính là đặc trưng chính của nền kinh tế đó.

Theo đó, để chinh phục được sự hỗn loạn đó thì bản thân mỗi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải biết cách đặt vấn đề về chiến lược phát triển kinh tế. Đồng thời, phía cơ quan chức năng cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc cải cách thủ tục hành chính. Bởi lẽ, nền kinh tế toàn cầu đang biến động cho nên chúng ta cần tập trung thích nghi với chuyển đổi chứ không nên lội ngược dòng.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Tập trung thích nghi với chuyển đổi chứ không nên lội ngược dòng - 3
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, doanh nghiệp Việt cần tập trung đẩy “nội lực” của mình lên.

Lý giải điều này, TS.Lê Thẩm Dương cho hay, hiện nay, nước ta có tới 98,1% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chỉ có thể “chen chân” được vào những thị trường nhỏ, chứ chưa đủ “lực” bước vào thị trường lớn để cạnh tranh.

Nếu muốn đứng vững thì doanh nghiệp Việt cần biết cách tạo chuỗi sản phẩm đủ chuẩn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng rồi mới có thể “lách” vào “đường đua” với những thương hiệu khác trên thị trường.

Nói về cơ hội cho các doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế vĩ mô toàn cầu đang bấp bênh như hiện nay, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, cơ hội chính là nhu cầu. Và thực tế, Chính phủ đã đặt ra rất nhiều nhu cầu cho các doanh nghiệp của nền kinh tế Việt Nam.

Cơ hội chính là bằng nhu cầu cộng với khả năng đáp ứng. Cho nên, nếu doanh nghiệp không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thì đừng nên nói đến việc lựa chọn cơ hội mà hãy tập trung đẩy “nội lực” của mình lên.

“Cơ hội là gì? Cơ hội là một nhu cầu và Chính phủ đã đặt ra biết bao nhiêu là nhu cầu cho các doanh nghiệp của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng mà khổ, cơ hội là bằng nhu cầu cộng với khả năng đáp ứng. Mà doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng thì đừng nói tới cơ hội. Cho nên doanh nghiệp không được quyền nói chữ: lựa chọn cơ hội, đón rõ cơ hội. Có “lực” đâu mà nói. Cho nên, cuối cùng là phải đẩy cái “lực” của doanh nghiệp lên thì bắt đầu nhu cầu mới thành cơ hội. Khi thành cơ hội rồi thì chúng ta mới bắt đầu nói đến cạnh tranh”, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Quế Sơn