Tiền polymer bị loang mực khi xoa nước
Gần đây, nhiều độc giả viết thư phản ánh về chất lượng tiền polymer, cả 3 loại mệnh giá 50.000 - 100.000 - 500.000 đồng. Tờ bạc chỉ cần bị thấm lượng nước nhỏ, khi gập vào xoa với nhau, những vết mực loang sẽ xuất hiện.
Khi đồng tiền polymer bị dính nước mà gập lại rồi xoa nhẹ, thì chỉ sau 3-4 lần xoa, mở ra tờ 100.000 đồng hoặc 500.000 đồng sẽ xuất hiện vết loang màu mực. Hiện tượng này cũng diễn ra với tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng. Một giám đốc ngân hàng khi nghe nói về điều này đã không tin là sự thật.
Khi phát hành tiền polymer, Ngân hàng Nhà nước thông báo, polymer là một dạng nhựa, không có cấu tạo sợi như giấy in tiền thông thường nên bề mặt không xốp. Khi bị các vết bẩn như bùn đất, dầu mỡ hoặc mực viết bình thường, tờ bạc có thể làm sạch bằng nước lã hoặc nước xà phòng, sau đó dùng vải lau khô. |
Ông Toản giải thích: "Công nghệ in lõm được sử dụng trong tiền cotton hay polymer. Nó tạo ra nét nổi của mực in, gây nhám. Đặc điểm này có thể cảm nhận khi dùng tay vuốt nhẹ lên tờ tiền. Càng nhiều vùng được in lõm, độ bảo an chống làm giả của đồng bạc càng cao".
Theo ông Toản, khi xoa 2 vùng dùng công nghệ in lõm vào nhau, một lượng mực nhất định sẽ bị mài ra. Khi đồng tiền khô, việc này khó nhận biết, song khi gặp nước sẽ nhìn rõ hơn."Bất kỳ vật gì có độ nhám khi ma sát đều tạo ra sự mài mòn", ông Toản nói.
Giải thích vì sao một mặt của tờ 50.000 đồng không gặp hiện tượng này, ông Toản cho biết, tờ 50.000 đồng chỉ một mặt sử dụng công nghệ in lõm. Mặt kia in offset, nên nhẵn phẳng, mực không bị mài khi bị ma sát.
Ngân hàng Nhà nước từng thông báo tiền polymer được phủ lớp véc-ni nên không thấm nước, hút ẩm hay giữ ẩm. Ông Toản phân tích, quá trình phủ không phải như ép plastic mà chỉ là lớp vec-ni mỏng có tác dụng tăng độ bền và bảo an của đồng tiền. Vì vậy nó không làm mất đi những nét nổi của đồng bạc.
Ông Toản lấy một số tờ tiền polymer của Australia, Singapore... bôi nước, gập lại xoa, thấm vào tờ giấy trắng, kết quả cũng tương tự như tiền polymer của Việt Nam.
Cục phó cho biết, sau 2 năm phát hành, Ngân hàng Nhà nước chưa phát hiện trường hợp nào tiền polymer bị hỏng do lưu thông. Trong khi đó, tuổi thọ của tiền cotton ở Việt Nam là 3 năm.
"Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ ghi nhận một số trường hợp tiền polymer bị hỏng là do quá trình bảo quản không đúng cách, hay gặp hóa chất", ông Toản khẳng định. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên để đồng bạc gần lửa hoặc nguồn nhiệt cao, không nên vò nhàu, vuốt, xiết mạnh theo nếp gấp. Tuy nhiên, đặc điểm mòn mực khi tiền polymer chịu sự ma sát cao không được Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo khi công bố.
Chi phí in tiền polymer gấp 1,5 lần tiền giấy thông thường, đổi lại độ bền sử dụng gấp 3-4 lần. Kết quả thí nghiệm bằng máy của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền cotton chỉ chịu được 3.500 lần gấp. Còn với tiền polymer là 15.000 lần vẫn không hỏng. Trên thế giới có hơn 20 nước đã sử dụng tiền polymer.
Theo VnExpress