1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tiền mặt của Hoàng Anh Gia Lai giảm 45% sau 9 tháng

(Dân trí) - Mức tiền mặt thặng dư của HAGL còn gần 1.600 tỷ đồng vào cuối tháng 9, còn cách rất xa so mức 3.000 tỷ đồng mà Fitch Ratings khuyến nghị. Riêng phần đầu tư cho nhà máy đường và nhiệt điện hút 1.242 tỷ đồng trong kỳ của Tập đoàn.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã CK: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2012.

Chuyển hướng đầu tư mạnh sang mía đường, thủy điện, cao su


Tính đến 30/9/2012, HAGL còn 1.598,46 tỷ đồng tiền mặt, giảm 44,8% so mức 2.896,46 hồi cuối năm 2011. Trong số này có 1.586,18 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, bằng 55% cùng kỳ 2011.

Trước đó, cuối tháng 6, cán cân tiền mặt của HAGL còn thặng dư hơn 2.200 tỷ đồng và hồi tháng cuối tháng 3 là 1.700 tỷ đồng.

Trong một thông điệp hồi tháng 6 của của Fitch, tổ chức này từng "dọa" sẽ hạ tín nhiệm HAGL nếu công ty không nâng được mức thặng dư tiền mặt lên mức 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 23/10/2012, Fitch Rating đã thông báo rút lại toàn bộ các mức xếp hạng tín nhiệm với HAGL, tương tự Standar & Poor (S&P).

Như vậy sẽ  không còn tổ chức nào đánh giá tín nhiệm về HAG, và bản thân tập đoàn của bầu Đức cũng đã nhiều lần yêu cầu các tổ chức này ngừng xếp hạng tín nhiệm hay báo cáo phân tích về mình.

Phần nợ vay ngắn hạn ngân hàng của HAGL đã giảm mạnh.
Phần nợ vay ngắn hạn ngân hàng của HAGL đã giảm mạnh.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 9 tháng, công ty đã nộp 603,77 tỷ đồng tiền thuế, khoản này gấp 3,4 lần cùng kỳ. Trả lãi vay 375,3 tỷ đồng, khoản này giảm gần 23% cùng kỳ.

Tính đến 30/9/2012, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL ở mức 9.230,3 tỷ đồng, tăng 58,6% so với số dư đầu năm. Trong đó, kỳ này, phát sinh 1.242 tỷ đồng từ việc đầu tư xây dựng nhà máy đường và nhiệt điện. Bầu Đức cũng tập trung cho cây cao su, nhà máy thủy điện và trồng mía. Các hạng mục này hút đầu tư lớn của HAGL. Cụ thể, chi phí trồng cây cao su tăng 66,5%, đầu tư cho nhà máy thủy điện tăng 17%, chi cho trồng mía tăng gấp 2,7 lần.

Trong khi đó, tại các khoản đầu tư dài hạn, chi phí đất đai để phát triển các dự án của HAGL đã giảm 116,65 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận việc cho Chính phủ Lào vay 186,6 tỷ đồng, khoản cho vay này bằng 63,75% cùng kỳ 2011.

BCTC kỳ này cho thấy, HAGL đã giảm các khoản vay ngắn hạn ngân hàng từ 2.262,7 tỷ đồng của thời điểm 31/12/2011 xuống còn 1.769,3 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2012. Trong khi đó, vay các tổ chức và cá nhân khác lại tăng từ 29,6 tỷ đồng lên 144,58 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do hệ quả của phần vay trước đó, nên nợ vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng 1 năm của HAGL lại tăng gần gấp đôi đối 1.749,9 tỷ đồng.

Vay dài hạn ngân hàng kỳ này lại tăng lên 4.984,59 tỷ đồng, tăng 44% so cuối 2011. Trái phiếu thường trong nước đạt giá trị 4.148,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần số dư đầu kỳ. Tính chung, trong 9 tháng đầu năm, HAGL vay nợ dài hạn thêm gần 3.591 tỷ đồng so với đầu năm 2012.

9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 39% kế hoạch năm

Điểm đáng chú ý tại HAGL trong kỳ theo dõi này đó là hàng tồn kho đã giảm mạnh so đầu kỳ. Đến cuối tháng 9, công ty còn 3.861 tỷ đồng hàng tồn, giảm 13,2% so 31/12/2011.

Lợi thế thương mại của HAGL bị mất 25,7 tỷ đồng sau 9 tháng, còn 296,4 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ phải trả, trong khi nợ ngắn hạn giảm nhẹ thì nợ dài hạn của HAGL tăng khá mạnh. Cụ thể, nợ ngắn hạn giảm 458,76 tỷ đồng xuống còn 6.319,61 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ dài hạn tăng 30,4% tương ứng tăng 2.653,65 tỷ đồng lên 11.368,57 tỷ đồng.

Doanh thu quý III/2012 của HAGL đạt 2.398,34 tỷ đồng, tăng 73,33% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, doanh thu căn hộ chiếm tỷ trọng 89%, đạt 2.135,02 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán quý III năm nay của HAGL tăng gấp 2,7 lần so cùng kỳ đã khiến tỷ trọng giá vốn/doanh thu tăng mạnh từ 54,28% lên 83,48% và từ đó khiến lãi gộp của HAGL giảm hơn gấp rưỡi so cùng kỳ năm ngoái, còn 394,51 tỷ đồng.

Do vậy, mặc dù các chi phí đều ghi nhận giảm, song không đủ để kéo lợi nhuận lên. Chi phí hoạt động tài chính đã giảm 44% còn 113,48 tỷ đồng, trong đó áp lực lãi vay đã "nhẹ gánh" hơn rất nhiều đối với HAGL, giảm gần 56% còn 110,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính chỉ đạt 78,46 tỷ đồng, 1/2 cùng kỳ.

Chi phí bán hàng cũng được tiết giảm 54%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 13,3%, song lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ bằng 58% quý III/2011.

Thu nhập từ các hoạt động khác của HAGL kỳ này giảm còn gần 7 tỷ đồng, giảm 73% so cùng kỳ song chi phí vẫn lớn 22,6 tỷ đồng nên mức lỗ ở các hoạt động này vẫn cao 15,6 tỷ đồng, thiệt hại gấp 7 lần cùng kỳ.

Kết thúc quý III, lợi nhuận trước thuế HAGL đạt được 254,9 tỷ đồng, bằng 55% so cùng kỳ 2011. Công ty báo lãi 176,53 tỷ đồng, sụt giảm 48% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó 96,57 tỷ đồng là phần lãi dành cho cổ đông công ty mẹ, giảm 67% so với quý III/2011. EPS quý 3 vỏn vẹn 180 đồng, mất tới 71,3%.

Lũy kế 9 tháng HAGL lãi 278,4 tỷ đồng, giảm 69% so với 9 tháng 2011. EPS 9 tháng của HAG ở mức 518 đồng.

Năm nay, HAGL đã hạ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế từ trên 1.700 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng. Song sau 9 tháng, tập đoàn của bầu Đức mới chỉ đạt được 465 tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch năm, trong khi đó, cùng kỳ 2011, HAGL đã đạt được gấp 3 mức này.

Mai Chi