Tiền dội vào chứng khoán ầm ầm, ôm cổ phiếu quyết gồng lãi
(Dân trí) - Thêm một phiên thăng hoa của cổ phiếu bất động sản khi hàng loạt mã tăng trần và tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư vẫn quyết gồng lãi, chưa chịu chốt lời.
Trong phiên giao dịch hôm nay (4/8), VN-Index bật tăng mạnh 15,03 điểm tương ứng 1,24% lên 1.225,98 điểm, ghi nhận một phiên tăng thuyết phục bất chấp lo ngại của giới phân tích trước đó về việc có thể xuất hiện một pha điều chỉnh sâu do áp lực chốt lời.
Mặc dù trong suốt phiên, VN-Index vận động trên vùng tham chiếu, không hề có một cú "nhúng đỏ" nào, song dòng tiền giải ngân vào thị trường vẫn rất quyết liệt.
Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 1,13 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 23.094,17 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 106,34 triệu cổ phiếu tương ứng 1.808,28 tỷ đồng và 101,61 triệu cổ phiếu tương ứng 1.215,59 tỷ đồng.
Có thể thấy thị trường chứng khoán thời gian gần đây liên tục ghi nhận những phiên giao dịch "tỷ đô" và dòng tiền khỏe đã hỗ trợ đáng kể cho chỉ số, khiến chỉ số không bị điều chỉnh sâu và bật tốt. Riêng hôm nay, VN-Index đóng cửa tại vùng giá cao nhất phiên.
Trong mức tăng chung của VN-Index, "bộ đôi" VIC và VHM tiếp tục có đóng góp lớn nhất, lần lượt 3,89 điểm và 3,22 điểm cho chỉ số chung. VIC phiên này tăng trần với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến lên 21,2 triệu đơn vị; VHM tăng 4,8% lên 63.000 đồng.
Thị trường đang được dẫn dắt bởi cổ phiếu bất động sản khi nhóm ngành này chứng kiến nhiều mã tăng mạnh, giao dịch sôi động. NVL tăng trần lên 19.800 đồng, khớp lệnh lên tới 79,6 triệu cổ phiếu trong khi vẫn còn dư mua giá trần 5,7 triệu đơn vị.
Một loạt mã vốn hóa vừa và nhỏ như HQC, TN1, HTN, HPX, TCH cũng tăng trần; CRE áp sát mức trần, tăng 6,5%; SGR tăng 5,9%; DIG tăng 5,1%; PDR, NBB, KHG cùng tăng 4,9%...
Nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng có mức tăng khá, tuy nhiên, thanh khoản ở nhóm này tương đối khiêm tốn. DC4 tăng trần, HU1 tăng 5,1%; TGG tăng 4,9%; HBC tăng 3,1%; VCG tăng 2,9%; TCD tăng 2,9%; NHA tăng 2,6%.
Cổ phiếu ngành ngân hàng ngược lại có sự phân hóa: Trong khi EIB tăng 5,8%; SHB tăng 5,1% và khớp lệnh tới 42 triệu đơn vị; ACB tăng 4,1% thì SSB lại giảm 4,1%; OCB giảm 1,3%.
Nói về ngành ngân hàng, bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc tự doanh của Công ty Chứng khoán DNSE - cho hay, nhóm ngành này từng là điểm sáng của thị trường trong năm 2022 trong bối cảnh hầu hết các ngành đều suy giảm lợi nhuận.
Tuy nhiên, dữ liệu trong 2 quý gần đây đang cho thấy những khó khăn của ngành bắt đầu được bộc lộ và nguyên nhân chính là sự gia tăng nợ xấu và sự suy giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Theo bà Linh, báo cáo quý II của một số ngân hàng thể hiện tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên so với đầu năm. Nợ xấu gia tăng trong ngắn hạn tuy hiện tại chưa gây áp lực đến kết quả kinh doanh khi các doanh nghiệp chưa vội trích lập dự phòng, nhưng trong tương lai áp lực trích lập và tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng là rất lớn.
Đồng thời, lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng khi chỉ NIM giảm do chi phí đi vay tăng nhanh lợi suất cho vay. Điểm tích cực là áp lực này có thể giảm trong các quý tới do lãi suất huy động đã giảm khá mạnh trong thời gian qua.
Nhìn chung, vị chuyên gia cho rằng, triển vọng ngành ngân hàng trong thời gian tới vẫn sẽ gặp thử thách do hai vấn đề nêu trên, đặc biệt là vấn đề liên quan đến nợ xấu. Các tín hiệu tích cực sẽ được phản ánh vào xu hướng nợ xấu được giải quyết bởi các ngân hàng.