"Tiền điện sao không tính từng tháng một, gộp 2 tháng tôi nặng gánh quá"

Ghi Du

(Dân trí) - Nhiều người dùng than thở việc phải đóng số tiền lớn khi hóa đơn tiền điện gộp 2 tháng thành một. Một số khác cho rằng mình chịu thiệt, EVN hưởng lợi, đề nghị phải tính tháng 1 và tháng 2 riêng biệt.

Trước việc Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) tính gộp hóa đơn tiền điện tháng 1 và tháng 2 thành một khiến số tiền phải trả tăng gấp đôi, người dân đặt câu hỏi sao công ty điện lực không tách riêng từng tháng một. Điều này được cho là không làm hóa đơn tiền điện tăng đột biến, đồng thời cũng không làm thay đổi số tiền phải đóng.

Anh Hữu Quý (35 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi đọc bài viết " Tiền điện gộp 2 tháng làm một, người dân có bị thiệt thòi? " đăng ngày 4/3 trên Dân trí, kiểm tra hóa đơn tiền điện thì thấy tháng này số tiền phải trả là 2,4 triệu đồng. Anh Quý cho biết chưa bao giờ nhà anh dùng đến 2 triệu đồng tiền điện, kể cả mùa hè.

"2,4 triệu là gấp đôi đấy. Mà điện lực họ tính gộp 2 tháng làm một à, sao không tính từng tháng một như mọi khi nhỉ. Gộp thế này tôi nặng gánh quá, mới đầu tháng còn bao khoản phải chi", anh Quý nói.

Tiền điện sao không tính từng tháng một, gộp 2 tháng tôi nặng gánh quá - 1

Việc EVN Hà Nội tính gộp tiền điện 2 tháng làm một đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận (Ảnh: EVN).

Tương tự, độc giả Đại Văn Phạm bình luận trên Dân trí sao EVN Hà Nội không chốt chỉ số công tơ 20 ngày cuối tháng 1 và tách riêng ra với tháng 2. Người dùng này phân tích tính tiền điện cộng dồn, trong khi giá theo bậc thang, phần chênh lệch người dân là người chịu.

"Quy định bậc tăng lên thì chỉ có lợi cho các hộ gia đình dùng ít (dưới 300 số cho cả 2 tháng) còn những người dùng nhiều trên con số 300 thì giá khác hoàn toàn. EVN cũng gặp khó vì một năm có 12 tháng, nên phần chỉ số dư của kỳ trước (trong tháng 1 - PV) không biết để đi đâu", độc giả này viết.

Độc giả Hải Nguyễn Ngọc đề nghị đơn vị điện lực chốt số công tơ những ngày còn lại của tháng 1 riêng (chốt hết ngày 31/1) và chốt chỉ số công tơ của tháng 2 riêng (từ ngày 1/2 đến 29/2).

Nếu chốt riêng như vậy thì người sử dụng điện sẽ không bị thiệt thòi do cách tính điện theo phương pháp lũy tiến. Còn nếu chốt gộp cả tháng 1 và tháng 2 như ngành điện áp dụng, số tiền thanh toán của tháng 2 sẽ tăng khoảng 27% tiền điện.

Độc giả Hải Nguyễn Ngọc đưa ra thực tế gia đình mình tiêu thụ điện gộp 2 tháng là 433kWh. Nếu tách riêng, tháng 1 tiêu thụ 166kWh (tra cứu trên trang của đơn vị điện lực), tháng 2 tiêu thụ 267kWh.

Theo cách tính riêng, tiền điện tháng 1 phải trả là 311.572 đồng, tháng 2 là 539.993 đồng, tổng cộng là 851.565 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 8%). Nếu tính gộp 2 tháng với số tiêu thụ điện là 433kWh, số tiền phải thanh toán lại là 1.082.183 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 8%).

Tương tự, người dùng Phuong Nga đề nghị đơn vị điện lực tách thời gian trong giai đoạn thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ thành 2 hóa đơn. Bởi, gần 2 tháng số điện phải trả luôn ở bậc giá cao, còn nếu chia nhỏ người dân sẽ không phải chịu thiệt.

Trong khi đó, một số độc giả thắc mắc vì sao phải thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện. Về vấn đề này, ông Lê Ánh Dương, Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội, cho biết việc làm này nhằm giúp cơ quan quản lý dễ theo dõi, thống nhất số liệu để báo cáo, hạn chế các sai sót. Ngoài ra, ngành điện thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng.

Việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện cũng nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hàng tháng, chủ động thanh toán tiền điện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện được tập đoàn triển khai trên cả nước và có lộ trình đến năm 2025. Thực tế từ tháng 9/2023, nhiều tỉnh thành tại miền Bắc đã thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện vào cuối tháng.