1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiền “đầy túi”, ACV vẫn “bất lực” nhìn đường băng sân bay nguy cơ… đóng cửa!

(Dân trí) - Doanh nghiệp có tiền nhưng “vướng” cơ chế, còn Nhà nước có cơ chế nhưng không có tiền. Nghịch lý này đặt sân bay Nội Bài - Hà Nội và Tân Sơn Nhất - TPHCM vào tình trạng “báo động đỏ” vì đường băng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ phải đóng cửa.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 27/9, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - khẳng định: Đường băng hư hỏng nghiêm trọng sẽ không đảm bảo để khai thác bất cứ chuyến bay nào.

Có tiền mà không “tiêu” được!

Phóng viên: Thưa ông, nguy cơ phải đóng cửa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cam Ranh là vấn đề được đặt ra suốt thời gian qua, nguyên nhân do hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Là đơn vị quản lý và khai thác hạ tầng sân bay, ACV có biện pháp xử lý như thế nào trước tình hình này?

-Trước mắt, ACV vẫn phải sửa chữa, duy tu thường xuyên đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, để đảm bảo đủ điều kiện khai thác. Nhưng có những vị trí bị hỏng từ cốt nền nên sửa chữa được vài hôm lại bị bong tróc, hư hỏng trở lại.

Việc khắc phục kiểu này cũng rất tốn kém vì không bền vững. Tại Nội Bài, đường lăn S3 hiện nay phải đóng cửa vào buổi tối để duy tu, sửa chữa. Trong khi đó, đường băng 1B cũng phải hạn chế khai thác.

Tiền “đầy túi”, ACV vẫn “bất lực” nhìn đường băng sân bay nguy cơ… đóng cửa! - 1
Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV

Hàng tuần ACV phải báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam về việc kiểm soát tình hình hư hỏng và tìm giải pháp sửa chữa. Tuy nhiên, đã đến lúc Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải sửa chữa lớn, phải đầu tư cải tạo nâng cấp, không thể duy tu, bảo dưỡng, trám vá mãi được.

Ước tính sẽ tiêu tốn bao nhiều tiền để đầu tư sửa chữa lớn cho Nội Bài và Tân Sơn Nhất, thưa ông?

-Theo tính toán, đầu tư sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài sẽ hết khoảng hơn 900 tỷ đồng, Tân Sơn Nhất là gần 700 tỷ đồng. Nhưng ở đây phải xây dựng để án nâng cấp, sửa chữa cả hệ thống khu bay chứ không riêng đường băng, nhằm đảm bảo sự đồng bộ và khai thác hiệu quả nhất.

Được biết, ACV không thiếu tiền để sửa chữa lớn đường băng xuống cấp, nhưng vấn đề quan trọng là “vướng” cơ chế để thực hiện đầu tư hạ tầng, điều này có đúng không thưa ông?

-Đúng vậy. Chúng tôi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Thực tế, doanh nghiệp có tiền nhưng “vướng” cơ chế đầu tư, còn Nhà nước có cơ chế đầu tư nhưng lại không có tiền. Chiếu theo Luật thì Nhà nước có trách nhiệm đầu tư sửa chữa, trong khi doanh nghiệp không được bỏ tiền ra để đầu tư trên tài sản của Nhà nước, không được làm thay việc của Nhà nước.

Đo “sức khỏe” đường băng từng ngày!

Nhiều người quan ngại việc đường băng của hai sân bay lớn nhất Việt Nam đang phải hạn chế khai thác. Tuy nhiên, một số hãng hàng không mới vừa được cấp phép và chắc chắn khi các hãng đi vào hoạt động thì tần suất khai thác của đường băng sân bay sẽ cao hơn, áp lực nặng nề hơn với hạ tầng đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

-Quan trọng là số lượng slot được cấp cho hãng bay bao nhiêu. Với hạ tầng đường băng, trường hợp khai thác 10 chuyến bay hay 1 chuyến bay thì cũng phải duy trì đủ điều kiện và đảm bảo an toàn. Còn nếu đường băng hỏng nghiêm trọng, không đủ điều kiện và mất an toàn thì không được phép khai thác bất cứ chuyến bay nào.

Tiền “đầy túi”, ACV vẫn “bất lực” nhìn đường băng sân bay nguy cơ… đóng cửa! - 2
Đường lăn sân bay Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng, "lượn sóng" uy hiếp an toàn bay

Nếu không đầu tư sửa chữa lớn thì việc gia tăng tần suất hoạt động khi có thêm các hãng bay mới sẽ làm tăng mức độ khai thác đường băng, điều này đồng nghĩa với việc tuổi thọ của đường băng sẽ giảm đi. Ngoài đường băng còn có những vấn đề liên quan tới quản lý bay, năng lực khu bay, phục vụ mặt đất…

Với tình hình hiện nay, theo ông khả năng “chịu đựng” của đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có thể duy trì được trong bao lâu nữa?

-Theo yêu cầu của Cục Hàng không, ACV đang thuê tư vấn đánh giá kỹ thuật, việc này không thể đánh giá bằng cảm quan được.

Hạ tầng sân bay xuống cấp uy hiếp đến an ninh an toàn hàng không, cũng không biết trước những sự việc đáng tiếc do hạ tầng sẽ xảy ra lúc nào. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý và khai thác hạ tầng là phải đảm bảo kiểm soát được tình hình.

Về nguyên tắc, đường băng sân bay phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhưng việc sửa chữa tạm như hiện nay cũng gây áp lực rất nặng nề, vì cứ sửa xong lại hỏng. Hàng ngày, chúng tôi phải tăng cường việc kiểm tra trực quan tình trạng đường băng nhằm phát hiện những hư hỏng để sửa chữa kịp thời.

Tiền “đầy túi”, ACV vẫn “bất lực” nhìn đường băng sân bay nguy cơ… đóng cửa! - 3
Hình ảnh máy bay xếp hàng cất-hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM diễn ra hàng ngày

Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp quan trọng nào có thể tháo gỡ được vướng mắc để xử lý dứt điểm tình trạng xuống cấp đường băng sân bay nói riêng và hạ tầng hàng không nói chung, thưa ông?

-Chúng tôi kiến nghị điều chuyển tài sản khu bay cho ACV bằng hình thức tăng vốn, khi đó trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thuộc về doanh nghiệp.

Khi tài sản được chuyển giao sẽ thuận lợi cho việc đầu tư, quản lý và khai thác hạ tầng cũng như đảm bảo an ninh an toàn hàng không, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng đường băng, đường lăn và sân đỗ máy bay tại các cảng hàng không.

- Xin cảm ơn ông!

Phân loại dự án để tránh “vấp” hệ thống pháp lý

Tại cuộc họp báo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều 27/9, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Áp lực lên hạ tầng hàng không không đang dồn vào sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc. Việc ưu tiên cho đầu tư, nâng cấp cũng như xây mới đường băng, nhà ga hành khách là hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang xây dựng danh mục các dự án có thể kêu gọi đầu tư xã hội hóa, một số thì Nhà nước đầu tư, phân loại rất rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

“Việc phân loại các dự án sẽ tránh việc “vấp” về hệ thống pháp lý. Chúng ta đang rất “mắc” về sự chồng chéo của các Luật như Luật Đầu tư, Luật chuyên ngành và các Luật khác.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Châu Như Quỳnh (thực hiện) 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm