1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tiền đâu đầu tư công cao tốc Bắc - Nam?

(Dân trí) - Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tác động nợ công, trần nợ, khả năng trả nợ, số tiền phải trả trên tổng thu, trong khả năng trả nợ không có thặng dư ngân sách…

Nhiều ý kiến thảo luận tại Quốc hội hôm nay (9/6) xoay quanh việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công sang đầu tư công (Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nêu quan điểm thống nhất với việc chuyển đổi dự án sang đầu tư công, tuy nhiên đại biểu cho rằng khi đánh giá cần lưu ý một số vấn đề để tiếp tục triển khai các dự án cao tốc bắc nam đồng thời tính toán cân đối ngân sách.

Theo đại biểu này, vấn đề về vốn Chính phủ cho rằng đã bố trí đc 55.000 tỷ đồng, còn thiếu 23.000 tỷ đồng nhưng bản chất do dự án chậm tiến độ nên bản chất vẫn thiếu 40.000 tỷ đồng, hiện đang không có nguồn, cơ bản 63.000 tỷ đồng sẽ chuyển sang giai đoạn sau, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là cam kếtt chi chứ không phải tiền thực chi.

Tiền đâu đầu tư công cao tốc Bắc - Nam? - 1
Chính phủ điều chỉnh, chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư PPP sang đầu tư công

“Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tác động nợ công, trần nợ, khả năng trả nợ, số tiền phải trả trên tổng thu, trong khả năng trả nợ ko có thặng dư ngân sách. Chưa quan trọng bằng khả năng vay, nợ công của Chính phủ cho biết đến năm 2021-2022 khoản phải trử rất lớn, phải đi vay tiếp. vấn đề ở đây phải đánh giá thêm khả năng vay thêm nợ công, phải sắp sếp các khoản vay” - đại biểu Hàm phân tích.

Đại biểu đoàn Phú Thọ cũng đề cập tới việc vay vốn ngân hàng thương mại hiện nay không khả thi, không chỉ ở cao tốc Bắc - Nam mà các dự án giao thông đều gặp khó khăn. Chính phủ hay ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ, nếu không sẽ không còn dự án BOT giao thông nữa để thực hiện chủ trương lớn của nhà nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình cần xem xét điều chỉnh trong bối cảnh mới. Việc đầu tư PPP nhằm mục tiêu quan trọng nhất là huy động được khu vực tư nhân không chỉ vốn còn cả kinh nghiệm vào đầu tư công trình.

“Với kinh nghiệm, nguồn vốn sẽ đầu tư để cung cấp dịch vụ công đó hiệu quả hơn. Thêm vào đó, nguồn ngân sách hiện nay đang khó khăn nhiều lĩnh vực cần đầu tư, nếu đầu tư tư nhân được thì phải tập trung ưu tiên cho phương thức PPP. Tuy nhiên, Chính phủ trình ra những điều kiện cần chuyển đổi, tôi thấy một số điều kiện đúng như dự án dự định PPP, nhưng giờ không ai quan tâm thì cần chuyển thành đầu tư công. Vì không chuyển thì thành cắt đoạn, đứt gãy, đoạn nào kêu gọi đầu tư tư nhân không có thì phải chuyển đầu tư công” - đại biểu Cường nêu quan điểm.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề cập tới tính cấp bách của dự án, nếu để PPP không giải quyết được ngay những vấn đề then chốt thì cần chuyển sang đầu tư công. Những lí do khác cần cân nhắc, đơn cử như việc các ngân hàng hiện nay thắt chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chuyển sang dài hạn.

“Việc huy động đầu tư tư nhân PPP không phải trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, những dự án nào vẫn có được các nhà đầu tư tư nhân đang tham gia thì cần đánh giá toàn diện thêm xem có đúng là những nhà đầu tư tư  nhân đó có đúng là không có năng lực hay không. Khi chuyển toàn bộ 3 dự án sang đầu tư công thì ngân sách thiếu hụt 23.000 tỷ đồng so với phân bổ, điều này ảnh hưởng gì đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau hay không?” - đại biểu Cường cho biết thêm.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam khoảng 100.816 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây dựng, thiết bị là 67.923 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 15.435 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 7.781 tỷ đồng;chi phí dự phòng là  8.354 tỷ đồng; lãi vay trong giai đoạn xây dựng 1.323 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Chính phủ cho biết vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí 55.000 tỷ đồng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017; phần vốn còn thiếu (khoảng 23.461 tỷ đồng) Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng dự án và quy định của pháp luật.

Châu Như Quỳnh