1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỉ phú hào hiệp và 100 tờ vé số độc đắc

Giáp Tết, tôi về xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và choáng ngợp trước cung cách làm ăn của Lý (Nguyễn Minh Lý, 32 tuổi). Càng “choáng” hơn vì biết anh từng trúng lốc 100 tờ vé số giải đặc biệt.

"Anh Hai Nam Bộ"

 

Lý “mập” là biệt danh mọi người gọi anh, đơn giản vì Lý khá to tròn. Sinh năm 1980, tuổi con khỉ, Lý may mắn lắm - theo lời kể của nhiều người - vì sinh ra trong một gia đình khá giả. Cha mẹ là dân làm ăn nên Lý không có một "tuổi thơ gian khó" như nhiều tỉ phú mà ta hay bắt gặp đâu đó trên những trang báo.
 
Tỉ phú hào hiệp và 100 tờ vé số độc đắc - 1

 

Tôi quen Lý “mập” tình cờ, do một người bạn rủ ra bè cá ven sông Tiền nhậu chơi. Lũ đã rút, 15 bè cá của Lý nổi lồ lộ ven sông, xung quanh có hàng chục dân câu ké chạy chợ áo cơm. Hỏi vì sao hay tụ tập câu quanh bè cá, họ bảo ở đó thức ăn rơi vãi nhiều, cá thiên nhiên hay đến tìm mồi. Hỏi Lý sao để mọi người dễ dàng tiếp cận bè cá đến vậy, ngộ nhỡ… Lý cười xòa, đúng tính cách của một "anh Hai Nam Bộ", nói: "Họ mưu sinh và cư xử đàng hoàng lắm anh ơi, không ai phá bè cá của em cả, họ còn coi chừng ăn trộm dùm mình nữa, dân xứ này chân chất lắm!".

 

Lý bảo, chuyện nuôi cá là do duyên nghiệp. Hồi nuôi hầm cá tra thành phong trào của nông dân đồng bằng sông Cửu Long cách đây mấy năm,  Lý cũng đào hầm, cũng nuôi nhưng cá chết nhiều quá, nên chuyển qua đóng bè nuôi cá chim, nhằm tận dụng cá tra chết, làm mồi cho cá chim. Thế là Lý có kinh nghiệm nuôi cá bè! Cá tra điêu đứng, Lý mới dùng kinh nghiệm nuôi bè, chuyển sang nuôi cá điêu hồng, với cơ số ban đầu là 2 bè. Không ngờ vụ nuôi ấy Lý "trúng", thu mỗi bè 15 tấn cá, bán ra gỡ lại cái sự lỗ lã do con cá da trơn đem đến.

 

Phấn chấn hẳn ra, Lý bao hết anh em nông dân sống xung quanh làng bè, nhậu một chầu thật đã, rồi vay vốn ngân hàng nhân rộng mô hình nuôi thêm 4 bè, 6 bè, rồi 8 bè. Nhiều người thấy lo cho "anh Hai Nam Bộ" này, ngăn cản nhưng Lý “mập” quả quyết: "Tui làm tui chịu, tui biết tui sẽ "trúng" vì cá điêu hồng… nhậu ngon hơn thằng cá tra nhiều". Để tiết kiệm tối đa giá thành rẻ và bảo đảm an toàn vệ sinh, Lý tự thu mua mỳ lát, cám và đem về chế biến tại chỗ. Con cá điêu hồng của Lý, khi xuất xưởng, cũng ú na ú nần như người chủ nuôi, mỡ thơm và thịt ngọt. Lý trở thành tỉ phú một cách nhẹ nhàng như thế!

 

Tôi tìm góc để chụp hình, giương máy mãi mà vẫn không thể thu hết vào ống kính dãy nhà bè dài dằng dặc của Lý. Lý bảo mỗi ngày, anh phải chế biến và cho cá ăn đến 4,5 tấn thức ăn. Với 15 bè, cứ mỗi năm, anh bán ra thị trường trung bình 500 tấn cá sạch, trị giá trên dưới 10 tỉ đồng. Nhìn Lý ăn nói rổn rảng, miệng uống rượu đế, tay lột vỏ tôm càng, mới thấy chất nông dân tồn dư quá nhiều trong con người tỉ phú này. Khẳng khái và đàng hoàng, anh nâng ly với cả những người đang làm công cho anh, tất thảy họ đều đáng tuổi cha, chú…!

 

Chiều buông. Những dề lục bình trôi loang loáng dưới ánh bạc của dòng sông. Ngồi với Lý bên bờ đất đỏ cạch phù sa, tôi phóng mắt nhìn sang bờ bên kia, thuộc đất Đồng Tháp. Từng nhúm, từng nhúm nhà bè nuôi cá đã bắt đầu chạy máy nổ phành phạch, xay xát thức ăn nuôi cá. Ở vùng này, hiếm ai có đến 5 chiếc bè (mỗi bè nuôi được 15 tấn cá/vụ/4,5 tháng) cùng một lúc, vậy mà Lý “mập” sở hữu đến gấp 3 lần con số đó. Cho nên trước đây, hiện tại và sau này, Lý vẫn "tèn tèn" - như lời anh - làm một nông dân tỉ phú, một "anh Hai Nam Bộ" quanh năm gắn bó với dòng sông.

 

Tỉ phú hào hiệp và 100 tờ vé số độc đắc - 2
Hệ thống nhà bè nuôi cá của anh Lý.

 

"Lộc bất tận hưởng"

 

Cả cái huyện Chợ Mới yên ả bên sông Tiền này, ai cũng biết tiếng Lý “mập”, bởi cái tài nuôi cá. Nhưng người ta thán phục hơn hết, là cách cư xử của Lý, ấy mới là cái đáng nói, đáng viết trong khi xã hội nhan nhản những thông tin: cướp vé số, xù trả thưởng, "từ chối" trao giải đặc biệt, chiếm đoạt vé trúng độc đắc…

 

Chuyện diễn ra cách đây đã 6 năm, khi mà vé số cao nhất chỉ 5.000 đồng/tờ. Hôm đó, anh Tín vốn là người từng làm công cho Lý, đi bán vé số ngang bè cá. Trời mưa và lạnh cóng, Tín chẳng còn hơi sức nào mà bươn chải, nhưng nghĩ đến mẹ già đang chờ ở nhà, Tín tạt vào trú mưa, chờ tạnh sẽ đi bán tiếp. Hỏi thăm nhau mấy câu, Tín than thở về gia cảnh và nỗi lo cơm áo, Lý mủi lòng hào hiệp rút 200.000 đồng đưa Tín, bảo: "Gởi tiền nhờ anh mua gạo cho bác". Vốn là người cương trực, thẳng thắn và đầy khí chất sông nước, Tín gạt đi, nói: "Anh còn sức, anh đi bán vé số chớ đâu có đi xin ăn, cất đi".

 

Lý thấy Tín ướt như con mèo, tay run run nên mang bộ quần áo khô ra cho Tín thay. Hỏi còn bao nhiêu tờ vé số, Tín chìa tay ra bảo còn nguyên lốc 100 tờ, có mua thì mua chứ "hổng có xin". "Anh Hai Nam Bộ" phán liền "mua hết luôn" và móc tiền cái rẹc, trao cho Tín. Tín đội mưa chạy thẳng ra tiệm, mua mấy con cá khô và ký lô gạo. Hôm ấy, vé số kiến thiết của tỉnh Vĩnh Long mở thưởng!

 

Hôm đó là ngày 4/6/2006. Tối, mưa đã tạnh. Tín và bà mẹ già đã xong bữa cơm đắp đổi. Tín bóp vai cho mẹ, nghe bà cụ bảo "ước gì trúng số, mẹ cưới vợ cho con" mà ứa nước mắt. Còn Lý, đang ngồi xỉa răng và uống trà, nghe thằng bạn nối khố tên Cường (nhà ở Thành phố Long Xuyên) thông báo "Lý “mập” ơi, mày trúng số rồi, đặc biệt" mà suýt… ngất! Bởi vì trị giá mỗi giải đặc biệt, khi ấy là 125 triệu đồng, nhân với 100 tờ…

 

Có trên 10 tỉ đồng trong tay, người ta sẽ làm gì? Việc đương nhiên là phải biếu người mang "lộc" đến cho mình, và Lý “mập” đã làm thế, bằng cách xây nhà cho mẹ con Tín, giải thoát cho người bán vé số khỏi kiếp nhọc nhằn. Tiếp đến, Lý xây trường học ở ngay quê hương mình, rồi bỏ tiền trải bê tông mấy con đường liên ấp, rồi xây thêm hàng chục căn nhà tình thương nữa. Bà con đầu trên xóm dưới "nghe tin", cũng ào ạt đến gặp Lý để… vác gạo về ăn. Bạn bè thân quý của Lý, mỗi người cũng "hưởng xái" một ít. Bằng tâm niệm, mỗi tháng Lý đều mua gạo, dầu ăn, nước tương phân phát cho những người ăn xin, lang thang không chỗ nương tựa. Chuyện này tuy diễn ra từ trước khi Lý trúng số, song kéo dài cho đến bây giờ và số lượng tăng lên gấp nhiều lần sau khi Lý gặp Tín.

 

Lại nói về mẹ Tín, người đàn bà cả đời khổ cực, chưa hề nếm được miếng ngon, nay trở nên hạnh phúc như về cảnh giới khác khi ước mơ đổi đời cho con thành sự thật. Cụ như trẻ lại nhiều tuổi, nói năng trôi chảy và luôn miệng cười… Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang. Do quá lao lực trong những tháng ngày thống khổ, Tín ra đi sau một cơn bạo bệnh, để lại người mẹ già không còn ai nương tựa. Biết chuyện, Lý thường xuyên dành thời gian sang an ủi, chăm sóc mẹ bạn. Đều đặn mỗi tháng, Lý trích tiền mua sữa, gạo ngon, món ăn lạ… đem biếu mẹ Tín. Bà mẹ ấy, dù nghèo, cũng đã từng rất hạnh phúc vì có Tín, một người con trai hiếu thảo và chịu khó.  Tín mất, nỗi đau của  đời bà được an ủi  phần nào  vì may mắn có thêm Lý - một tỉ phú biết sống, vẹn nghĩa trọn tình xem như mẹ nuôi và thường xuyên qua lại chăm sóc. Bà con xa gần, nghe câu chuyện của Lý-Tín, cũng  thấy vui trong bụng!

 

"Biết quý đồng tiền thì còn hơn trúng xổ số"

 

Lý nói thẳng ruột là qua tết, sẽ hạ thủy thêm 10 bè, "ăn dầm nằm dề" luôn ở bờ sông này. Sở dĩ nói như vậy là bởi lẽ, hiện Lý vẫn đi đi về về hàng ngày bằng chiếc xe hơi bạc tỉ. Nhưng nếu sắp tới mà tăng thêm lượng bè cá, Lý phải có mặt thường xuyên để chăm sóc cá, cho ăn, theo dõi nguồn nước. Cái chuyện cho cá ăn của Lý “mập” cũng khác người, bởi lẽ không như các bè cá khác trộn mồi ngay trên sàn bè cho tiện, bằng nguồn tiền trúng số, Lý dựng hẳn một nhà máy chế biến ra thức ăn tươi mỗi ngày bên bờ sông, rồi mới phân phối cho từng bè cá theo từng độ tuổi thích hợp. Anh bật mí không hề e ngại: "Mỗi bè cá có chi phí khoảng 200 triệu đồng, đầu tư 10 bè, chỉ một năm sau là thu hồi vốn. Mà anh biết làm vậy để chi không? Ngoài sinh lợi ra, còn để bà con chòm xóm, lao động nghèo có công chuyện làm mỗi ngày, có thu nhập mỗi tháng".

 

Nhiều người thân của Lý cho biết, Lý rất biết chi tiêu, rất hào phóng nhưng cũng không hề hoang phí tiền bạc. Ngay khi trúng số, Lý đã tập trung trả nợ vay, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn trên 1.000m2. Sau khi làm nhiều việc từ thiện, Lý dành tiền mua 100 ha đất ở Đồng Nai để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Lý bật mí không e ngại: "Em còn đứng ra mua nguyên liệu, đưa về nhà máy chế biến thép của gia đình em ở An Giang nữa. Khi nào còn sức còn kiếm được tiền, thì cứ kiếm miễn sao lương thiện. Kiếm được 10 đồng, mình đem 1 đồng đi giúp người khác, hạnh phúc lắm chứ".

 

Cứ thế, từng đồng tiền làm ra, Lý đều quý trọng. Mỗi khi có ai cần xây dựng nhà tình thương, làm trường học đến vận động, Lý đều ưng thuận nhưng anh theo dõi tiến độ thi công rất sát sao, cung cấp từng mét khối sắt, thép, từng bao xi măng đến tận công trình.

 

Còn một chuyện nữa, Lý sẽ dành cho bà xã món quà rất đặc biệt, đó là một căn hộ "cực đẹp" ở TP HCM, được mua từ tiền do Lý kinh doanh mà có, chứ không phải do tiền trúng số độc đắc! 

 

Theo Dương Minh Anh
CAND

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm