1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủy sản Việt "khốn khổ" vì thương lái Trung Quốc

(Dân trí) - Theo VASEP, việc ồ ạt thu mua xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu xuất khẩu, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang “chững” lại

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc là một trong những thị trường chính nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 4, chiếm 8% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014.

nganh-tom-1441947135661
Việc thương lái Trung Quốc ồ ạt mua thủy sản Việt Nam, đặc biệt ở ngành tôm, đang đe dọa doanh nghiệp trong nước (hình minh họa)

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong 5 năm gần đây, trong đó mặt hàng tôm đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung. Tỷ trọng của tôm trong tổng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng từ 13% năm 2003 lên trên 64% năm 2011 và 60% năm 2012 và 66,6% năm 2013 và 70% năm 2014.

Trung Quốc được đánh giá là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam giữa bối cảnh nhu cầu về thủy sản tại nước này tăng cao với chất lượng từ thấp lên đến cao. Trong khi đó, yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật lại không cao như các thị trường lớn khác.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này thời gian gần đây đã cho thấy sự chững lại đáng kể. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 597 triệu USD, tăng 4,3%, tăng chậm hơn năm 2012 – 2013. Sáu tháng đầu năm 2015, con số này là 269 triệu USD, giảm 0,8% so với  304 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho biết, trong thời gian hiện tại cũng như sắp tới, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, cơ quan này lưu ý đến tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, đặc biệt là tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu (chưa qua chế biến) đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác.

Việc ồ ạt thu mua xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu xuất khẩu, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, khi thương lái mua theo hình thức trên, vấn đề chất lượng, đặc biệt kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến hình ảnh tôm của Việt Nam.

Không dễ thắng tại thị trường Trung Quốc

VASEP cũng cho biết thêm, việc xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc hiện còn vấp phải những quy định về bảo vệ tài nguyên thủy sản từ phía Trung Quốc mặc dù nước này chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về xuất nhập khẩu thủy sản.

Bên cạnh đó, một trong những trở ngại lớn nhất trong việc giao thương với Trung Quốc hiện nay là đàm phán, buôn bán. Người Trung Quốc có thói quen mặc cả rất nhiều do vậy “giá chót” thực tế mới là giá khởi điểm để đàm phán, điều này đòi hỏi các chuyên viên đàm phán phía Việt Nam phải rất nhẫn nại, phải xác định được đối tác có phải là người quyết định cuối cùng không.

Trung Quốc quản ngoại tệ rất chặt nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế và hầu hết là Trung Quốc chưa thực hiện phổ biến theo thông lệ quốc tế bằng L/C. Xét về mức độ an toàn trong thương mại thì việc thanh toán theo đường biển có nhiều rủi ro. Hơn nữa mức thuế đánh vào mặt hàng hải sản nhập khẩu thường cao hơn thị trường Mỹ, Nhật và các nước châu Á khác.

Về phía Việt Nam, trở ngại lớn nhất là thủ tục hải quan tại các khu vực cửa khẩu. VASEP cho biết, đến nay Việt Nam vẫn còn lấn cấn về quy chế và chính sách, không thông thoáng linh hoạt như phía Trung Quốc. Trung Quốc không quan tâm đến chính ngạch và tiểu ngạch, miễn có lợi là làm.

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới vì thị trường chứng khoán sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến tần lớp trung lưu làm giảm nhu cầu các sản phẩm giá cao.

Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (đầu tháng 8) cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam bởi tương quan giá sẽ càng ngày càng cao, khiến sản phẩm của Việt Nam mất tính cạnh tranh với Trung Quốc.

Bích Diệp

Thủy sản Việt "khốn khổ" vì thương lái Trung Quốc - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm