Thủy điện Thượng Kon Tum: Vụ kiện với nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết
(Dân trí) - Việc xử lý vụ kiện về chấm dứt Hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc là phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của Dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum.
Trong một báo cáo gửi lên Quốc hội, Chính phủ cho biết, dự án thủy điện Thượng Kon Tum công suất 220 MW, được thiết kế xây dựng trên sông Đắk Nghé (nhánh chính thượng nguồn sông Sê San) do Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) làm Chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vụ kiện cáo với nhà thầu Trung Quốc.
Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Thượng Kon Tum đã được Hội đồng quản trị Công ty VSH phê duyệt vào năm 2009, vốn đầu tư khoảng 7.400 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện dự án, Công ty VSH đã tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công, trong đó gói thầu tuyến năng lượng và nhà máy tổ chức đấu thầu quốc tế, Tổ hợp nhà thầu (Nhà thầu Trung Quốc) gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18) trúng thầu.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong quá trình thực hiện thi công dự án, do tình hình tiến độ thi công tuyến năng lượng và nhà máy chậm trễ nghiêm trọng và thái độ thiếu thiện chí hợp tác của nhà thầu Trung Quốc, Công ty VSH đã có Nghị quyết chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc và ra Thông báo chấm dứt hợp đồng vào ngày 14/7/2014.
Song song với việc xử lý chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, Công ty VSH đã phối hợp với PECC1 rà soát, đánh giá lại khối lượng công việc cần thi công còn lại của tuyến năng lượng và nhà máy, phân chia thành 3 gói thầu và tiến hành các thủ tục lựa chọn 3 nhà thầu mới có năng lực cùng tham gia để tiếp tục triển khai thi công
Tuy nhiên, sau khi Công ty VSH chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc và thu hồi toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng, ngày 23/8/2014, nhà thầu Trung Quốc đã gửi Đơn kiện Công ty VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng.
Về phía công ty VSH cũng đã có Hồ sơ tự bảo vệ và Đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm Hợp đồng.
Về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, báo cáo Chính phủ cho biết, để chuẩn bị tranh tụng trong vụ kiện, Công ty VSH đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với các công ty Tư vấn luật của Việt Nam và quốc tế là: Công ty YKVN Singapore (chi nhánh tại Việt Nam) và Công ty EPLEGAL Việt Nam. Sau khi xem xét hồ sơ, các công ty này đã đề nghị và Công ty VSH đã ký bổ sung Công ty DREW & NAPIERLLC Singapore tham gia.
Các công việc, thủ tục pháp lý đã thực hiện với VIAC: Công ty VSH đã phối hợp cùng các công ty Tư vấn luật được thuê hoàn thành Đơn phản tố và Đơn khởi kiện lại nhà thầu Trung Quốc, gửi VIAC; thanh toán chi phí trọng tài theo quy định; thống nhất địa điểm và ngôn ngữ tranh tụng; thống nhất cử trọng tài viên và Chủ tịch trọng tài.
Tuy nhiên, đầu năm 2017, Công ty VSH đã chấm dứt hợp đồng với các công ty tư vấn với lý do công tác tư vấn của các công ty này không đạt hiệu quả và còn yêu cầu Công ty VSH thanh toán thêm chi phí rất lớn.
Công ty VSH đã chọn Công ty tư vấn Luật Nam Hùng do GS.TS Nguyễn Vân Nam làm giám đốc để tư vấn tiếp cho vụ tranh chấp. Hiện tại, Công ty VSH đang phối hợp cùng với các Công ty Tư vấn luật được thuê để giải quyết vụ kiện, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ và bổ sung các tài liệu pháp lý cần thiết, chuẩn bị lời chứng về sự kiện để tranh tụng.
"Việc xử lý vụ kiện về chấm dứt Hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc là phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của Dự án. Hiện nay, Công ty VSH đang phối hợp với các đơn vị tư vấn luật tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ kiện để có đối sách phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của các cổ đông, báo cáo nêu rõ.
Phương Dung