Thương vụ sáp nhập "trái ngành" của Liên Việt hoàn tất

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa cho phép LienViet Bank nâng vốn điều lệ lên 6.010 tỷ đồng, kết quả của thương vụ sáp nhập giữa NH này với Công ty Tiết kiệm Bưu điện.

Cùng ngày với quyết định của Ngân hàng Nhà nước, ngày 29/7 nhà băng này cũng chính thức ra mắt tại Hà Nội với tên gọi mới: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.
 
Thương vụ sáp nhập "trái ngành" của Liên Việt hoàn tất - 1
Thương vụ sáp nhập của NH Liên Việt được coi là chưa từng có trong lịch sử NH Việt Nam

 

Pháp nhân mới này là kết quả của việc sáp nhập Công ty Tiết kiệm Bưu điện vào NH Liên Việt (cũ). Theo đó, được sự cho phép của Chính phủ, TCT Bưu chính Việt Nam đã góp gần 1.000 tỷ đồng vào Liên Việt (trong đó có tiền và giá trị của Công ty Tiết kiệm Bưu điện trị giá 360 tỷ đồng), tương đương 15% vốn điều lệ.

 

Đây là thương vụ góp vốn đầu tiên trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng khi một TCT nhà nước góp vốn vào một ngân hàng cổ phần để thành lập mô hình Ngân hàng Bưu điện đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, Công ty Tiết kiệm Bưu điện đang gánh khoản lỗ khoảng 145 tỷ đồng do huy động với lãi suất cao nhưng đi gửi lấy lãi thấp.

 

Với lợi thế là hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch trên toàn quốc, trong đó có cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, NH Bưu điện Liên Việt hy vọng sẽ trở thành một trong số các ngân hàng có mạng lưới rộng nhất cả nước.

 

Đánh giá về thương vụ này tại lễ ra mắt Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc TCT Bưu chính Việt Nam góp vốn vào Liên Việt được coi là "sự hợp tác đặc biệt nhất của Việt Nam trong năm 2011".

 

M. Hoàng