Thường vụ Quốc hội “nóng” với quy hoạch đất đai

(Dân trí) - Trong chương trình làm việc phiên thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã dành một buổi thảo luận sôi nổi về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, để theo kịp tốc độ đô thị hóa trong 10 năm tới, việc xây dựng quy hoạch phải tính toán hết nhu cầu sử dụng. Theo đó, nếu đất quy hoạch phục vụ cho những mục đích phi công nghiệp sẽ gây ra tốn kém về sau trong xử lý bồi thường.
Thường vụ Quốc hội “nóng” với quy hoạch đất đai   - 1

Ủy ban TVQH yêu cầu không "đụng chạm" vào đất lúa (Ảnh: H.B)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn: “Từ 4,1 triệu ha đất dành cho nông nghiệp, các anh giảm xuống còn 3,8 triệu ha thì 300 ngàn ha thì dùng làm gì, phục vụ công nghiệp bao nhiêu?”.

Theo phân tích của Chủ tịch Quốc hội, công nghiệp sẽ kéo theo dịch vụ, từ đó tập trung khu dân cư. Một khi dân cư tập trung sẽ phải thêm đất giao thông, giáo dục, y tế và đất ở - lúc đó không còn cách nào giữ được đất lúa.

“Anh định phát triển thêm sau khi đã lấp đầy các khu còn lại 200 ngàn, thậm chí 300 ngàn ha thì tôi vẫn hoan nghênh, vì giá trị sản xuất của 1 ha công nghiệp lớn. Nhưng sẽ lấy đất ở đâu?”  Chủ tịch khuyến cáo, nhất định không được phạm vào đất lúa. “Phải khẳng định không đụng vào đất lúa thì nhân dân mới yên tâm được, còn nếu không, kịch bản đưa ra không có giá trị, không khả thi!”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Còn theo nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, hiệu quả sử dụng đất giai đoạn 10 năm vừa qua rất thấp. Cụ thể, quy hoạch 100% đất công nghiệp nhưng lấp đầy chỉ 46% khu công nghiệp và 41% cụm công nghiệp; đất dành cho công nghiệp đa số lại ở những nơi màu mỡ như ĐB. Sông Cửu Long.

Theo Tờ trình Chính phủ trình lên TVQH, hiện nay diện tích đất trồng lúa cả nước có khoảng 4,1 triệu ha, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 70% dân số cả nước.

Trong quá trình lập phương án quy hoạch sử dụng đất, các địa phương đề xuất nhu cầu chuyển khoảng 500 nghìn ha đất lúa sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp hoặc chuyển cơ cấu cây trồng vật nuôi. Theo đề xuất này tổng diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 chỉ còn trên 3,6 triệu ha. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Chính phủ kiến nghị Quốc hội phương án giữ chỉ tiêu đất trồng lúa trên 3,81 triệu ha trong kế hoạch 5 năm (2011 - 2015).

Thực tế trong 10 năm qua, gần 350 nghìn ha đất lúa (đất lúa nước khoảng 270 nghìn ha) được đã chuyển cho các mục đích khác, trong đó nhiều diện tích đất lúa thuộc khu vực đồng bằng là dạng “bờ xôi ruộng mật” đã chuyển sang để phát triển đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác. Khi diện tích đất lúa đã chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp thì khả năng quay trở lại là rất khó.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị, bên cạnh đánh giá về mặt kinh tế, Chính phủ phải xem xét cả mặt xã hội, từ đó bản quy hoạch này mới có thể tiên tiến hơn quy hoạch cũ.

Ông Hiển lật lại vấn đề, “10 năm qua, 100 ngàn ha không lấp đầy, liệu 10 năm tới, cộng thêm 200 ngàn ha nữa, cùng với số 53 ngàn ha chưa lấp đầy nữa. Như vậy, với 253 ngàn ha liệu có thể lấp đầy được hay không?” Ông Hiển đề nghị quy hoạch mới phải thể hiện được hiệu quả sử dụng, phải trả lời được căn cứ thực hiện quy hoạch và phải đảm bảo được an ninh lương thực trong tương lai.

Theo giải trình của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh, hiện tại 177 khu công nghiệp đã lấp đầy được 76%. Lượng lao động phục vụ trong các khu công nghiệp là 1,6 triệu, ngoài ra còn 1,8 triệu lao động ở trong các lĩnh vực dịch vụ ăn theo; bình quân 1 ha sử dụng 78 lao động, trong khi khu vực nông nghiệp chỉ sử dụng từ 10-12 lao động/ha.

Giá trị tạo ra trong 1 ha khu công nghiệp là 1,6 triệu USD, trong khi ở nông nghiệp là 1 ngàn - 1,5 ngàn USD. Giá trị xuất khẩu trong khu đất công nghiệp là 700 ngàn USD/ha còn nông nghiệp chỉ 300-400 USD/ha. Ông Sinh đồng thời lưu ý, quy hoạch đất phải tính 5-7 năm chứ không thể ngày một ngày hai.

Tổng kết 10 năm thực hiện quy hoạch  2001-2010, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá, đến nay, Tờ trình Chính phủ trình lên UBTV vẫn chưa thấy rút ra được bài học kinh nghiệm nào sâu sắc; vẫn chưa chỉ ra được trách nhiệm trong một số vấn đề vi phạm quy hoạch vẫn chưa chỉ ra được do ai, ở đâu. “Nếu cứ đà này, 3,8 triệu không thực hiện được, mà 3,6 triệu cũng không!”- ông Lý lo ngại. Ông đơn cử trường hợp đoạn đường từ Pháp Vân đến Hà Nam, trước đây lúa mọc tốt tươi, đến nay đổ đất 3-4 năm, mọc lên lại chỉ “lèo tèo mấy ngôi nhà”. Nguyên nhân là do “quy hoạch thực sự không nghiêm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng thời phản đối đề xuất của Ủy ban Kinh tế, cho rằng, Quốc hội chỉ nên quyết định các chỉ tiêu lớn, quan trọng, mang tính định hướng - là những chỉ tiêu “cứng” cần xác định để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia.  Còn Chính phủ tổ chức chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước. Bởi, như vậy theo ông Lý, khi để địa phương quyết định kế hoạch sử dụng đất sẽ dẫn đến cơ chế “xin-cho”, sửa đổi quy hoạch liên tục.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, hàng năm, Ủy ban Tài chính-Ngân sách vẫn làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đánh giá việc thi hành luật. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho thấy việc sử dụng, thực hiện quy hoạch đất đai còn “quan liêu, lãng phí, vi phạm, thất thoát, tiêu cực”. Tuy nhiên trong Báo cáo mà Chính phủ trình lên UBTV lại không nhắc đến. Đồng ý với điểm này, nhiều thành viên UBTV cũng đề nghị, quy hoạch đất cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn và có những chế tài cụ thể trong vấn đề vi phạm.

 

Hồng Bích