Thương vụ “bom tấn” của hai tỷ phú thành danh tại Đông Âu: “Đế chế” tiêu dùng-bán lẻ mới!

(Dân trí) - Thương vụ “bom tấn” này giữa doanh nghiệp của hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang dự kiến sẽ tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu ở trong nước và hướng tới vươn ra thế giới với 120 siêu thị VinMart, gần 2.300 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên 62 tỉnh thành cả nước được chuyển giao.

Thương vụ “bom tấn” của hai tỷ phú thành danh tại Đông Âu: “Đế chế” tiêu dùng-bán lẻ mới! - 1

Cổ phiếu VRE, VIC, MSN và nhiều mã lớn khác giảm giá đầu phiên sáng nay đã gây sức ép đáng kể lên VN-Index

Khởi đầu bất lợi, tuy nhiên, đến hết phiên sáng nay, các chỉ số chính trên thị trường đều đã lấy lại được sắc xanh: VN-Index tăng nhẹ 0,36 điểm tương ứng 0,04% lên 959,67 điểm và HNX-Index cũng tăng 0,95 điểm tương ứng 0,94% lên 101,85 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,07% còn 55,48 điểm.

Thanh khoản đạt 112,47 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 2.495,34 tỷ đồng và 10,41 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 116,6 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn trên UPCoM với 3,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 69,89 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã giảm, dù vậy, khoảng cách chênh lệch giữa số lượng các mã tăng - giảm đã thu hẹp đáng kể. Có 292 mã giảm giá, 37 mã giảm sàn so với 233 mã tăng và 25 mã tăng trần.

Tiếp tục diễn ra phân hoá trong nhóm cổ phiếu bluechips. Nếu như BID, HPG, VCB, CTG, MBB tăng và ảnh hưởng tích cực lên chỉ số thì chiều ngược lại, VNM, VHM, MSN, VPB, PLX, BVH vẫn giảm.

Riêng VIC trong phiên sáng đã hồi phục được về mức tham chiếu 115.000 đồng và có lúc tăng lên mức 166.300 đồng. Còn MSN vẫn giảm 700 đồng tương ứng 1,01% còn 68.300 đồng.

Không để giới đầu tư phải chờ đợi lâu, trong sáng nay, Vingroup và Masan Group đã chính thức công bố thông tin về thỏa thuận nguyên tắc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Theo đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ. Trong đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Thương vụ “bom tấn” này giữa doanh nghiệp của hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang dự kiến sẽ tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu ở trong nước và hướng tới vươn ra thế giới. Với thương vụ này, 120 siêu thị VinMart, gần 2.300 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên 62 tỉnh thành cả nước sẽ được chuyển giao cho Masan Group.

Được biết, doanh thu thuần từ hệ thống VinMart trong 9 tháng đầu năm nay ở mức hơn 10.400 tỷ đồng và hệ thống VinMart+ cũng mang về 9.600 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 51% và 88% so với cùng kỳ.

Việc chuyển nhượng này được cho biết là để Vingroup tập trung toàn bộ nguồn lực cho hai lĩnh vực công nghiệp và công nghệ (bao gồm cả VinFast và VinSmart).

..........................................................

Mở đầu phiên giao dịch sáng nay (3/12), cổ phiếu MSN của Tập đoàn Ma San (Masan Group) tiếp tục giảm giá, có lúc mất tới 1.000 đồng tương ứng 1,45% xuống 68.000 đồng. Sau đó, đến khoảng từ 9 giờ 30 phút thì biên độ giảm của MSN đã có dấu hiệu dần thu hẹp lại.

Trong khi đó, VIC của Vingroup cũng mất tới 800 đồng tương ứng 0,7% còn 114.200 đồng. VRE của Vincom Retail mất 400 đồng tương ứng 1,18% còn 33.600 đồng/cổ phiếu.

Hiện trên thị trường đang xuất hiện thông tin về một thương vụ mua lại lớn liên quan đến hai “ông lớn” Masan Group và Vingroup. Các bên vẫn chưa có thông tin chính thức về sự kiện này.

Masan Group hiện đang có tham vọng lớn trong mảng sản xuất thịt, mục tiêu chiếm 10% thị phần thịt heo vào năm 2022 với doanh thu 1,5 đến 3 tỷ USD, lãi sau thuế từ 200 đến 450 triệu USD. Ít ngày tới, vào 9/12, cổ phiếu MML của Masan MeatLife sẽ lên giao dịch trên sàn UPCoM.

Bên cạnh đó, trên thị trường hiện tại, các cổ phiếu lớn như VCB, VHM, VNM cũng mất giá và gây sức ép lên diễn biến chung, đặc biệt là khi các chỉ số chính ngay phiên đầu tuần đã bị “vùi dập”, giá cổ phiều phần lớn suy giảm do lực bán mạnh bao phủ khắp thị trường.

Việc cổ phiếu vốn hoá lớn giảm giá đã tác động tiêu cực lên VN-Index. Trong 30 phút đầu tiên, chỉ số chính tiếp tục mất hơn 8 điểm xuống còn 951,22 điểm trước khi hồi phục trở lại.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SHS, tín hiệu kỹ thuật cho thấy rủi ro mà thị trường tiếp tục giảm điểm trong phiên hôm nay (3/12) là cao hơn so với khả năng hồi phục kỹ thuật. Dự báo, VN-Index hôm nay có thể tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tâm lý tiếp theo quanh 950 điểm.

Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và giải ngân thêm nếu như thị trường có nhịp test lại ngưỡng 940 điểm (đáy tháng 6/2019). Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán ra trong giai đoạn này và có thể mua vào nếu thị trường có nhịp kiểm định lại ngưỡng 940 điểm (đáy tháng 6/2019) trong các phiên tới.

Mai Chi