1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thương nhân Trung Quốc ồ ạt mua lúa gạo Việt Nam

(Dân trí) - Giá lúa gạo tăng cao không phải vì chương trình tạm trữ của Chính phủ mà là vì các thương nhân Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam thu gom. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo không để xảy ra biến động với thị trường lúa gạo.

Thương nhân Trung Quốc ồ ạt mua lúa gạo Việt Nam - 1
Bộ trưởng chỉ đạo không để xảy ra biến động với thị trường lúa gạo (ảnh: Hữu Nghị)
 
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thị trường lúa gạo trong nước có nhiều diễn biến khó lường mà nguyên nhân là vì các thương nhân Trung Quốc đang ồ ạt thu gom.
 
Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, thương nhân Trung Quốc đã vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua vét gạo số lượng lớn. Ước tính, con số đã lên tới 500.000 - 600.000 tấn, phần nhiều qua đường tiểu ngạch.
 
Điều đáng nói là không chỉ tăng mạnh về số lượng mà giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây cũng tăng theo. Lúa chất lượng thấp từ 2.800 - 3.200 đồng/kg hồi giữa tháng 7 đến nay đã tăng lên 3.850 - 4.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng từ 3.500 - 3.800 đồng/kg lên 4.100 - 4.450 đồng/kg.
 
Hiện gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20 - 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7, lên mức 375 USD/tấn, gạo 25% tấm đạt 330 USD/tấn.
 
Trong khi đó, tại cuộc họp giap ban trực tuyến sáng 9/8 tại Hà Nội, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết: "Lượng gạo xuất khẩu đã ký hợp đồng đến nay được 6 triệu tấn nhưng chúng ta mới chỉ giao được 4 triệu tấn tính đến hết tháng 7. Dự kiến, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mua vào để hoàn thành kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn trong tháng 8 thay vì tháng 9 theo kế hoạch.
 
Tuy nhiên, lượng hợp đồng ký kết còn rất lớn mà vụ hè thu kết thúc sớm, lượng hàng hóa còn lại cho xuất khẩu hạn chế khi mà xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, nhất là theo đường tiểu ngạch đang tăng cao. Bởi thế, mặc dù VFA đã đề xuất với chính phủ xuất khẩu sẽ tăng vượt 6 triệu tấn nhưng với tình hình này thì không có khả năng".
 
Dự kiến, giá lúa gạo đã tăng và còn tiếp tục tăng nữa nên theo VFA rất cần cân đối xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm. VFA cho biết đã họp với 48 doanh nghiệp thu mua lúa gạo và thống nhất tiếp tục mua theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng tăng cường mua dự trữ để đảm bảo can thiệp thị trường đề phòng giá có biến động sốt, đặc biệt tại thị trường TPHCM.
 
Trước những diễn biến như hiện nay, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, hiện nhiều thương lái mua gạo của nông dân với giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc.
 
"Đây là diễn biến bất thường. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ phối hợp làm thế nào đảm bảo lãi cho nông dân nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
 
Bộ trưởng Hoàng cũng chỉ đạo, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cần khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để đảm bảo tiêu thụ hàng hóa cho nông dân về giá, không để tồn nhưng vẫn phải quan tâm đến việc đảm bảo an ninh lương thực.
 
Đồng thời, hiệp hội Lương thực Việt Nam và các Tổng Công ty lương thực cần tăng cường dự trữ lượng gạo cần thiết, không để xảy ra biến động với thị trường lúa gạo.
 
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện các tỉnh phía Nam đang thu hoạch vụ lúa hè thu. Dự kiến với 1,6 triệu ha lúa đã gieo cấy, người nông dân sẽ thu về trên dưới 8 triệu tấn thóc, tương đương gần 5 triệu tấn gạo. Chúng ta cũng sẽ có thêm khoảng 1 triệu tấn thóc nông dân đem về từ Campuchia thông qua việc thuê ruộng trồng lúa.
 
Hiện chúng ta còn lúa gạo dự trữ, đã thu mua tạm trữ được một số trong dân và các DN vẫn còn. Trong khi cả nước đến thời điểm này đã xuất khẩu được trên 4 triệu tấn gạo trong tổng số trên 6 triệu tấn đã ký kết với các đối tác. Vì thế, nếu Trung Quốc mua thêm vài trăm đến khoảng 1 triệu tấn gạo của Việt Nam thì cũng không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước.
 
Tuy nhiên, ông Ngọc lưu ý, rủi ro sẽ luôn rình rập những đơn vị xuất gạo sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. “Bài” của Trung Quốc là ban đầu mua vào với số lượng lớn. Khi các đơn vị kinh doanh trong nước ồ ạt đem hàng lên cửa khẩu, các đối tác bên ấy lại không mua nữa, hàng bị dồn ứ. Lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu thiệt, giống hệt như chuyện dưa hấu, cao su, vải thiều… bị ứ đọng, ép giá đã diễn ra thời gian qua (Nguồn: Thanh niên).
 
Lan Hương