1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thương mại dịch vụ phát triển gấp 4 – 5 lần sau 10 năm gia nhập WTO

(Dân trí) - Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Thương mại dịch vụ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên cả hai hướng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải thưởng “Thương mại Dịch vụ Việt Nam 2016 - Vietnam Top Trade Services 2016” diễn ra hôm nay (22/4), ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng biên tập báo Công Thương cho biết, nếu như năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 48,6 tỷ USD thì đến năm 2016, con số này đã là 176,6 tỷ USD, tăng gần 3,5 lần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2007 là 746 nghìn tỷ đồng thì con số này năm 2016 đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,7 lần.

Lễ trao giải Thương mại Dịch vụ Việt Nam - Top trade services awards 2016
Lễ trao giải "Thương mại Dịch vụ Việt Nam - Top trade services awards 2016"

Để ghi nhận sự đóng góp, tôn vinh và động viên kịp thời các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong các lĩnh vực Thương mại dịch vụ có chất lượng dịch vụ tốt nhất mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi gia nhập WTO, Bộ Công Thương đã tổ chức bình chọn và trao giải thưởng “Thương mại Dịch vụ Việt Nam 2016 - Vietnam Top Trade Services 2016”. Lễ trao Giải lần này đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của WTO (2007-2017).

Ban tổ chức cho biết, Giải thưởng được khởi động từ tháng 10/2016. Sau 04 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 400 đề cử từ hơn 30 UBND, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và tự ứng cử cho các danh hiệu “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ xuất sắc”, “Doanh nhân Thương mại Dịch vụ xuất sắc” và “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ tiêu biểu”.

Qua công tác sơ loại, thẩm định thực tế tại Doanh nghiệp, Thường trực Ban tổ chức đã lựa chọn được 95 hồ sơ Doanh nghiệp và 36 hồ sơ doanh nhân hợp lệ, đáp ứng đúng các tiêu chí đề ra, trình Hội đồng xét tặng và Ban tổ chức thông qua.

Ngoài Hà Nội và TP.HCM luôn là các địa phương có số lượng doanh nghiệp, doanh nhân tham gia đông đảo với chất lượng hồ sơ tốt, còn lại được phân bổ đều, có đầy đủ yếu tố vùng sâu, xa như Cao Bằng, Sơn La (phía Bắc), An Giang, Tiền Giang (miền Tây) hay khu vực Tây Nguyên như Kontum, Lâm Đồng…Về cơ cấu lĩnh vực, có đủ các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong 11/11 nhóm ngành hàng Thương mại Dịch vụ..

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhắc lại về Thương mại dịch vụ Việt Nam trước khi gia nhập WTO và cho biết: “Trong khuôn khổ của GATT/WTO, tại vòng đàm phán Uruguay diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994, các nước thành viên của GATT đã thông qua Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ, nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ.”


Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại buổi lễ

Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại buổi lễ

“Tại các nước tiên tiến, thương mại, dịch vụ luôn là khu vực được chú trọng phát triển. Tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu kinh tế thường ở mức rất cao, từ 60 - 70%, thậm chí 75%. Trong khi đó ở Việt Nam, con số này rất khiêm tốn, chỉ khoảng trên dưới 40%.”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Thương mại dịch vụ, ông Trần Tuấn Anh cho rằng: “Sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 là một bước ngoặt lớn, mốc dấu ghi nhận sự chuyển mình, hội nhập của kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra nhiều thách thức không nhỏ. Trong đó, việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ phải làm quen với sự hiện diện, cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực dịch vụ là điều không tránh khỏi.”

Thế Hưng