Tổng Giám đốc WTO:

Việt Nam là bài học thành công trong tận dụng cơ hội của WTO

(Dân trí) - Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp nhân chuyến thăm chính thức đến Việt Nam chiều qua (15/4), ông Roberto Azevêdo - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định: Việt Nam là nước tận dụng tốt cơ hội của WTO và “tôi không thấy cơ hội nào bị mất đi khi Việt Nam tham gia WTO”.

Tuy nhiên, ông Roberto nhấn mạnh cải cách thể chế kinh tế phải được xem là vấn thiết yếu và động lực phát triển của Việt Nam thời gian tới: Chính phủ cần tăng tốc cải thiện thể chế, nâng cao năng lực thực thi chính sách, tạo dựng môi trường cạnh tranh, minh bạch để giúp bản thân doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển.

Sức ép của hội nhập đang yêu cầu Việt Nam cải cách. Đây là nhiệm vụ quan trọng và ảnh hưởng đến tương lai của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

ông Roberto Azevêdo - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
ông Roberto Azevêdo - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 15/4/2016 tại Hà Nội, ông Roberto Azevêdo đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội, doanh nghiệp.

Đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế, ông Roberto khẳng định: Việt Nam là mẫu hình trong phát triển và hội nhập. Việt Nam là 1 trong 35 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới khi gia nhập WTO. Đáng nói, sau các cú sốc của kinh tế thế giới, những hiệu ứng và tác động tiêu cực đã được giảm thiểu tại Việt Nam nhờ can thiệp của Chính phủ cũng như độ mở thấp của nền kinh tế.

Trả lời câu hỏi chặng đường 10 năm Việt Nam gia nhập vào WTO, có những cơ hội bị bỏ lỡ hay không? Ông Roberto nói: Việt Nam là một trong những bài học thành công nhất của một nước khi gia nhập WTO trong đó những cơ hội mà Việt Nam tận dụng được là rất to lớn. Điểm quan trọng là tư cách thành viên của WTO đã mang lại mức độ tin cậy cao hơn cho Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế.

“Kim ngạch xuất khẩu tăng 3 lần trong 10 năm sau khi gia nhập WTO, đến nay đã đạt hơn 60 tỷ USD. Tuy nhiên, tôi vẫn thiên về ý kiến DN Việt Nam, chính phủ Việt Nam cần phải chính mình để gia tăng hơn nữa cả lượng và chất trong xuất khẩu vào các thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro chính sách, ông Roberto Azevêdo nói.

Trả lời câu hỏi về việc, Việt Nam ngày càng ký kết các hiệp định song và đa phương, trong khi tại WTO, những cơ hội vẫn chưa tận dụng hết. Việc mở rộng tham gia các điều khoản mới trong các FTA nhỏ lẻ sẽ khiến DN Việt mất đi cơ hội ở sân chơi lớn, ông Roberto Azevêdo nói:

Các quốc gia khi tham gia vào các thiết chế thương mại thế giới đương nhiên là phải cân đong đo đếm góc độ lợi ích. Tuy nhiên,WTO vẫn là sân chơi lớn với hơn 200 quốc gia, những luật chơi (quy định, luật lệ…) về thương mại củaWTO là tiêu chuẩn cao, tôn trọng tính cạnh tranh và mang tính phổ quát cho tất cả các quốc gia. Chính vì vậy, WTO sẽ không mất đi lợi thế mà còn gia tăng các lợi ích cho các nước thành viên.

“Vai trò của WTO vẫn là trung tâm của thương mại thế giới, lợi ích của các quốc gia tham gia WTO được hơn 200 quốc gia khác thừa nhận và bảo vệ. Chúng tôi cho rằng,WTO là sân chơi công bằng cho các nước đối tác và Việt Nam nên tận dụng và khai thác tốt hơn nữa những tài nguyên của WTO”, TGĐ WTO nhấn mạnh.

Về vấn đề nguy cơ, ngày càng nhiều nước áp đặt hàng rào phi thuế để bảo vệ và hỗ trợ cho xuất khẩu nước mình, khiến thương mại thế giới ngày càng lệ thuộc vào chính sách của từng quốc gia thay vì những luật lệ chung của WTO, ông Roberto Azevêdo cho rằng: Thương mại thế giới đã có những thay đổi cơ bản, trước 2006 những ràng buộc về hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, sinh học và môi trường ít hơn, do đó thị trường xuất khẩu rộng hơn, giá trị lớn hơn dành cho các quốc gia đang phát triển.

Nhưng nay, xu hướng bảo hộ của các nước chú trọng vào hàng rào kỹ thuật, môi trường và con người. Đây là yếu tố mà WTO cho phép thực thi. Các DN ở mọi quốc gia khi đã vào sân chơi chung, cần chơi theo nguyên tắc chung và nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng hàng hóa của mình.

"Về hỗ trợ của Chính phủ, Việt Nam phải thực thực tế và thực dụng. Nếu muốn cạnh tranh thì phải tìm thị trường, phải đàm phán và tham gia hiệp định với những mục tiêu đã đề ra. Hỗ trợ nhà nước trong tín dụng, chính sách và thông tin thị trường là rất quan trọng", ông nói.

Ông ông Roberto Azevêdo lưu ý: "Doanh nghiệp Việt Nam cần ghi nhớ rằng sản xuất ra sản phẩm là chưa đủ, mà cần nhìn vào điểm yếu của mình thì mới có thể trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Giờ tại Việt Nam mới có một số DN đáp ứng được, tuy nhiên chủ yếu là các tập đoàn, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với tiêu chuẩn riêng, công nghệ riêng.

“Xuất khẩu phần lớn là do khu vực FDI mang lại, còn doanh nghiệp nội địa của Việt Nam đạt tỷ lệ xuất khẩu thấp và thiếu liên kết. Tại Việt Nam, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là điều hết sức đáng tiếc”, ông Roberto Azevêdo cho biết,

Nguyễn Tuyền

Việt Nam là bài học thành công trong tận dụng cơ hội của WTO - 2