1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thương lái Trung Quốc bỏ đi, dân trồng khoai lang “chết” đứng

Sau một thời gian trúng giá, diện tích trồng khoai lang riêng tại tỉnh Vĩnh Long tăng lên khoảng hơn 6.000ha. Thế nhưng, thương lái Trung Quốc đột ngột giảm mua khiến giá khoai lang rớt mạnh, nông dân “chết” đứng.

Không riêng gì khoai lang, nhiều nông sản tại miền Tây hôm qua còn bay bổng tít mây xanh, nay đã rơi thẳng xuống vực sâu.

 

Thương lái Trung Quốc bỏ đi, dân trồng khoai lang “chết” đứng
Thu hoạch khoai ở Thới Hưng (Cờ Đỏ, Cần Thơ). 

 

Chóng mặt với khoai lang

 

Tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long giá khoai tím Nhật hiện ở mức 280.000 – 320.000 đồng/tạ (60kg). Mức giá này chỉ bằng 1/4 hồi cuối năm ngoái và bằng phân nửa cuối tháng 3 vừa qua. Đã vậy, nông dân Lê Hoàng Lâm ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho biết, hiện rất ít lái mua khoai càng khiến nông dân dở sống dở chết với những ruộng khoai đã quá lứa chưa thu hoạch. Nắm được thực tế này, một số thương lái còn kêu giá mua chỉ 220.000 đồng/tạ.

 

Ông Phạm Văn Đời có bốn công khoai lang ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân, than: “Đầu tư mỗi công khoai gần 20 triệu đồng, nếu bán theo giá hiện tại, chỉ thu được khoảng 50% chi phí ban đầu”. Trước tình thế như vậy, ông Đời cho hay, những ruộng khoai đã tới lứa, nông dân đành phải “neo khoai” chờ giá.

 

Chủ nhiệm hợp tác xã khoai lang Tân Thành (Bình Tân) Sơn Văn Luận bức xúc nói: “Thị trường khoai lang nhiều năm qua luôn bị thương lái Trung Quốc thao túng. Từ quy cách, mẫu mã sản phẩm đến giá cả…không bao giờ cố định theo một tiêu chuẩn nào mà họ luôn quay nông dân mình như quay chong chóng”.

 

Chứng minh lời mình nói, ông Luận diễn giải, trước đây khoai lang ở Bình Tân có nhiều giống như khoai tím Nhật, khoai trắng, khoai bí vàng... với diện tích trồng từng loại không chênh lệch nhau nhiều. Nhưng khi lái khoai Trung Quốc vào vùng này chỉ mua khoai tím Nhật, nên hiện nay diện tích khoai tím Nhật áp đảo tới trên 90% diện tích khoai trong huyện.

 

Hai năm trước lái Trung Quốc chỉ chọn mua khoai loại củ lớn, sau đó mua lẫn lộn, nhưng năm nay thì dứt khoát loại bỏ, không mua cỡ khoai lớn (loại 300g/củ trở lên). Theo tiêu chuẩn kích cỡ này, nông dân trồng khoai tới thời điểm này còn neo càng chết lớn, vì củ khoai cứ tiếp tục lớn khi nào còn neo trên giồng, trong khi nếu bán ngay lúc này thì lỗ.

 

Nông dân trồng khoai lang ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ cho hay với mức giá hiện tại, mỗi công (1.000m2) đất mướn trồng khoai lỗ trên dưới 10 triệu đồng. Hiện tại, riêng ở huyện Cờ Đỏ và Bình Tân còn xấp xỉ 1.000ha khoai lang đã neo hơn năm tháng chưa thể thu hoạch vì giá quá thấp và lái ít mua.

 

Không riêng gì khoai lang mà dừa, ớt... tại các tỉnh miền Tây thời thương lái Trung Quốc tranh nhau mua giá được đẩy lên cao, nay cũng rớt thê thảm và khó bán.

Lái cua Trung Quốc nợ hàng chục tỉ đồng

 

Vừa qua, cơ quan chức năng thị trấn Năm Căn, Cà Mau cho hay thương lái Trung Quốc nợ trên 10 tỉ đồng tiền mua cua của nhiều chủ vựa trên địa bàn nhưng không trả và bỏ trốn. Hiện vụ việc đang được tiếp tục xác minh, điều tra nhằm có hướng can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hộ kinh doanh và nông dân. Trên địa bàn huyện Năm Căn hiện có trên 15 người Trung Quốc đang tạm trú để hành nghề thu gom cua thương phẩm.

 

Khi lái Trung Quốc nắm cán

 

Nhiều năm qua, giá khoai lang hấp dẫn khiến nhiều xã trong huyện Bình Tân chuyển đất trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái sang chuyên canh khoai lang.

 

Ông Võ Văn Theo, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Tân, nói: ngành nông nghiệp từng nhiều lần khuyến cáo người dân đừng phá vỡ quy hoạch nhưng không thể ngăn nông dân trồng khoai lang bởi nó đem lại lợi nhuận lớn.

 

Tuy nhiên, ông Theo cũng thừa nhận: “Quản lý nhà nước đối với hoạt động thu mua, kinh doanh khoai lang tại địa phương bị buông lỏng. Thương lái Trung Quốc qua điều tra riêng nắm rất rõ quy luật, quy mô sản xuất, thời vụ, sản lượng, tâm lý nông dân… nên họ có đầy đủ thông tin để tự hình thành một thứ quyền mà các nhà buôn trong nước không làm được, đó là quyền quyết định giá thông qua hệ thống thương lái thu mua”.

 

Ông Sơn Văn Luận bổ sung thêm: “Đầu nậu Trung Quốc không những không hợp tác làm ăn mà còn muốn đánh gục cả những tổ chức kinh doanh trong nước”.

 

Ông Luận bức xúc nói mình kinh doanh buộc phải đóng thuế, chứng từ sổ sách, thủ tục hợp pháp còn lái Trung Quốc không có pháp nhân gì tại Việt Nam, và nếu có cũng chỉ thông qua đầu mối doanh nhân Việt. Do vậy, nếu xảy ra tranh chấp trong kinh doanh thì… vuốt đuôi lươn.

 

“Cơ quan chức năng không thể để thương lái Trung Quốc cầm phần cán, thương lái Việt Nam giữ phần lưỡi và nông dân trở thành tấm thớt!”, ông Luận nói.

 

Một số ý kiến khác thì cho rằng, khoai lang trồng tại Vĩnh Long, song hiện thương lái Trung Quốc thu mua rồi đóng gói nhãn mác Trung Quốc và sau đó có thể họ còn xuất khẩu sang nước thứ ba. Trong khi ta lại chưa có giải pháp ứng phó, dẫn đến thiệt đơn thiệt kép, trong đó nông dân thiệt thòi nhất.

 

Theo Ngọc Tùng

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm