Thương hiệu Hàn Quốc cất cánh nhờ... Gangnam Style?

(Dân trí) - Trở thành hiện tượng của làng giải trí thế giới trong thời gian qua, ca khúc Gangnam Style của ca sỹ nhạc rap Psy được kỳ vọng không chỉ giúp showbiz Hàn Quốc cất cánh mà còn trở thành cú hích cho các thương hiệu xứ kim chi.

Những tuần qua, ca khúc “Gangnam Style” của tay rapper 34 tuổi Psy (tên thật là Park Jae-sang) đã khiến cả thế giới phát sốt. Đến nay ca khúc này đã trở thành sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc bội thu nhất trên thị trường thế giới khi đứng nhì trên bảng xếp hạng tại Anh và Mỹ đồng thời thu hút hơn 406 triệu lượt người xem trên YouTube.
Ca sỹ Psy trong clip ca khúc Gangnam Style
Ca sỹ Psy trong clip ca khúc Gangnam Style

Trong lần tái ngộ khán giả tại Seoul tuần trước, anh đã khiến cả trung tâm Seoul tắc nghẽn khi 80.000 khán giả tới xem buổi biểu diễn. Các quan chức thành phố này thậm chí còn cho phép tổ chức show diễn ngay bên ngoài tòa thị chính, đồng thời chặn toàn bộ các tuyến đường xung quanh. Đây được xem như động thái khác thường nhưng nó cho thấy sự hào hứng của giới chức Hàn Quốc trước sự thành công của Psy.

Hiện tượng này được đặc biệt chào đón trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm nâng cao vị thế của Hàn quốc trong mắt bạn bè quốc tế. Kể từ khi đắc cử năm 2008, tổng thống Lee Myung-bak đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển “quyền lực mềm” của quốc gia nhằm hỗ trợ cho kinh tế. 

Thậm chí ông Lee còn thành lập một hội đồng trực thuộc tổng thống nhằm “xây dựng thương hiệu quốc gia”, đồng thời tăng chi ngân sách cho hoạt động quảng bá ở nước ngoài. Một ca khúc nhạc pop đình đám không nằm trong kế hoạch quảng bá nhưng “nó rất hữu ích và rất quan trọng”, Ma Young-sam, đại sứ ngoại giao công tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định.

“Khi người nước ngoài chú ý nhiều hơn tới các ca sỹ, dần dần họ sẽ thích Hàn Quốc…và nếu họ thích Hàn Quốc, họ sẽ mua đồ Hàn Quốc nhiều hơn. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng quảng bá”, ông Ma nói.

Hiện các nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc đều góp mặt trong hội đồng quảng bá thương hiệu quốc gia của tổng thống và nhiều tập đoàn tỏ ra rất thích thú với mục tiêu này. Từng được biết đến chủ yếu về các sản phẩm công nghiệp nặng như sắt thép hay tàu chở hàng, các công ty Hàn Quốc giờ ngày càng chú ý tới những lĩnh vực mà hình ảnh hào nhoáng là thiết yếu.

Samsung hiện đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý với Apple trên thị trường điện thoại thông minh và đã bán được tới 20 triệu chiếc Galaxy SIII trong 3 tháng qua. Hyundai thì nỗ lực cải thiện thứ hạng của mình trên chuỗi giá trị. Một nguồn tin nội bộ công ty cho biết họ đã có những mẫu xe thời thượng đủ để cạnh tranh với Audi và BMW.

Tại một số công ty lợi ích họ thu được từ việc quảng bá thương hiệu quốc gia còn rõ ràng hơn. Amore Pacific, nhà sản xuất mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc, đang tăng trưởng 2 con số tại Trung Quốc, nơi các thương hiệu “Made in Korea” luôn có giá ngất ngưởng. Kim Bong-hwan, lãnh đạo của công ty cho biết điều này có được chủ yếu là do một lượng cực lớn người Trung Quốc yêu thích các ngôi sao ca nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc.

Jang Te-you, nhà sản xuất một trong những chương trình truyền hình được ưa chuộng nhất khẳng định sự phổ biến của họ tại châu Á chính là nhờ sự kết hợp khéo léo các giá trị gia đình truyền thống với cách khắc họa các thương hiệu thời trang tinh tế cùng cuộc sống thành thị xa hoa. Sự hòa quện này rất phù hợp với các thị trường mới như Nga hay Nam Mỹ.

Thanh Tùng
Theo Financial Times