Thương chiến Mỹ - Trung không cản được tham vọng của các doanh nghiệp Trung Quốc
(Dân trí) - Các công ty Trung Quốc như nhà sản xuất ô tô Quảng Châu, Tập đoàn thanh toán WeChat Pay hay nền tảng phát video trực tuyến iQiyi đang có kế hoạch mở rộng ở các nước trên thế giới bất chấp chiến tranh thương mại.
Khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng nổ, nhiều công ty Trung Quốc - từng có kế hoạch đầy tham vọng mở rộng sang thị trường Mỹ - đã âm thầm thu hẹp quy mô lại.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và nhiều công ty Trung Quốc, những công ty đã tuyên bố hợp tác ở Đông Nam Á, Châu Âu và thậm chí cả Trung Đông thì lại khác, họ tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường của mình.
Điển hình nhất là Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc.
GAC đã nhắm vào thị trường Mỹ từ năm 2018 và đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Thung lũng Silicon, Los Angles và Detroit. Công ty này cũng đăng ký hoạt động bán hàng ở Bắc Mỹ tại Irvine năm nay và trưng bày tại Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ ở Detroit để quảng bá các mô hình mới của mình.
Mọi thứ dường như đã sẵn sàng - cho đến khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng lún sâu hơn.
Ông Feng Xingya, Chủ tịch của GAC Group, trong hội nghị East Tech West vừa diễn ra ở thành phố Quảng Châu cho biết: "Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là xâm nhập thị trường Mỹ vào đầu năm 2020 đã không còn hiệu lực nữa, bởi mức thuế quan mà Mỹ áp đặt lên các thành phẩm ô tô mà Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ quá cao.”
Hai nước đã liên tục áp đặt các mức thuế quan trừng phạt đối với các mặt hàng của nhau trị giá hàng trăm tỷ USD. Vào ngày 10/5, Mỹ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả phụ tùng xe hơi và ô tô.
Ông Feng Xingya chia sẻ thêm “Chúng tôi đã đình chỉ việc phát triển các sản phẩm và hoãn kế hoạch đầu tư vào thị trường Mỹ kể từ đầu năm nay. Chúng tôi đang chờ đợi tình hình thuế quan sẽ tốt hơn để có thể khởi động lại những kế hoạch phát triển còn dang dở của mình tại Mỹ.”
GAC đã tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch ra mắt tại Mỹ.
Nhà sản xuất ô tô, có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc, không phải là công ty Trung Quốc duy nhất rút lại các khoản đầu tư và mở rộng ra nước ngoài tại Mỹ.
Theo Rhodium Group, đầu tư trực tiếp sang nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm xuống 4,8 tỷ USD trong năm 2018 - giảm 84% so với mức 29 tỷ USD trong năm 2017.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không thể ngăn chặn được tham vọng mở rộng quy mô trên toàn cầu của nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Trung Quốc – GAC.
Sau khi thâm nhập vào thị trường Ô-man vào cuối năm nay, GAC sẽ mở rộng “dấu chân” của mình tại 9 quốc gia ở Trung Đông - bao gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait và Qatar. Công ty hiện đã có 14 cửa hàng trong toàn khu vực.
Theo ông Feng, công ty của ông cũng đã mở một công ty con ở Hồng Kông để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh quốc tế của mình.
Chúng tôi cũng sẽ gia nhập thị trường Nga vào cuối năm nay, ông nói với CNBC. Đến nay, GAC có mặt ở 24 quốc gia trên toàn cầu và chúng tôi đang tăng tốc để vào các thị trường khác.
Ông Feng cũng coi Liên minh châu Âu là thị trường chính của công ty xe hơi trong tương lai và đang đặt cược lớn vào các công nghệ ô tô điện thông minh.
Ông Feng cho biết, các mẫu xe ô tô năng lượng mới hiện đang rất phổ biến ở châu Âu, và mới đây, GAC đã nhận được lời mời từ nhiều quốc gia Châu Âu. Và mục tiêu của GAC là vươn lên trở thành một doanh nghiệp toàn cầu.
WeChat Pay sẽ đi bất cứ nơi nào phù hợp và mở cửa cho mình
Công ty thanh toán trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc, WeChat Pay, với tổng số giao dịch thanh toán hàng ngày vượt trên một tỷ vào năm ngoái, lần đầu tiên đã mở nền tảng cho khách du lịch quốc tế tại Trung Quốc.
Động thái này được coi là một bước để WeChat mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Ông Greg Geng, Phó chủ tịch Tập đoàn kinh doanh Tencent, WeChat cho biết: “Chiến lược ở nước ngoài của chúng tôi là hỗ trợ những dịch vụ về du lịch và chi tiêu bên nước ngoài của những vị khách du lịch Trung Quốc bởi những người này đã quen với WeChat Pay trong nước.”
Geng nói thêm rằng: “Chúng tôi muốn biến việc thanh toán dễ dàng hơn đối với người dùng WeChat, ngay cả khi họ ở nước ngoài.”
Theo dữ liệu được báo cáo bởi Tân Hoa Xã, công dân Trung Quốc đã thực hiện gần 150 triệu chuyến đi nước ngoài vào năm 2018, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, WeChat Pay có thể được chấp nhận thanh toán 16 loại tiền tệ tại hơn 60 quốc gia. Từ năm 2017, WeChat đã làm việc với Citcon, một công ty thanh toán di động xuyên biên giới có trụ sở tại Thung lũng Silicon, để mang dịch vụ thanh toán di động đến Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, so với thành công ở các nước Đông Nam Á như Singapore và Malaysia, việc sử dụng Wechat tại Mỹ vẫn còn tương đối hạn chế.
Với sự phát triển của các công ty truyền thông xã hội Mỹ như Facebook, việc mở rộng WeChat ở Mỹ có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.
Nhưng ông Geng lại nhìn nhận sự cạnh tranh theo một cách khác. Ông nói rằng: “Những gì chúng tôi đang xuất khẩu là một sản phẩm thanh toán và chúng tôi cần một đối tác địa phương - cho dù đó là một ngân hàng, tổ chức tài chính hay nền tảng của bên thứ ba. Mọi người đều nghĩ WeChat và Line là đối thủ cạnh tranh, nhưng chúng tôi cũng đang hợp tác trong việc thanh toán. Và Facebook cũng có thể sẽ là một đối tác tiềm năng của chúng tôi.”
Không có bất kỳ ranh giới quốc gia nào cho sự đổi mới
Nasdaq-listed iQiyi, một nền tảng phát video trực tuyến hàng đầu thường được gọi là Netflix của Trung Quốc, đã công bố quan hệ đối tác đầu tiên ở nước ngoài vào tháng 6/2019. Công ty giải trí trực tuyến này đã mở rộng dấu chân của mình đến Malaysia bằng cách ra mắt một kênh truyển hình với Astro, một nhà cung cấp truyền hình vệ tinh của Malaysia, để mang nội dung video đến các quốc gia Đông Nam Á.
Wang Xuepu, Phó chủ tịch của iQiyi cho biết, chúng tôi hỗ trợ các lựa chọn phụ đề cho nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Mã Lai và tiếng Thái. Chúng tôi hy vọng được làm việc với các nhóm sản xuất và đối tác địa phương để khám phá thêm nhiều tiềm năng hơn về nội dung.
Ông nói với CNBC rằng: “Tôi hy vọng chúng tôi có thể chia sẻ những công nghệ và nội dung chất lượng cao của mình với các đối tác địa phương vì chúng tôi tin rằng không có ranh giới quốc gia nào cho sự đổi mới”.
Quan điểm của Wang đã được Zhang Song, giám đốc điều hành của công ty tư vấn phần mềm Th thinkWorks nhắc lại rằng “các quốc gia nên làm việc cùng nhau thay vì cạnh tranh trong một cuộc đua công nghệ.”
Ông Zhang cho biết, các sản phẩm từ các trung tâm nghiên cứu sẽ được chuyển đến thị trường toàn cầu, không chỉ người dân Trung Quốc mà cả người tiêu dùng từ Mỹ và các quốc gia khác sẽ được hưởng lợi (từ các sản phẩm này).
Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung kéo dài, các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hạn chế trong công cuộc đổi mới và phát triển của mình.
iFlytek, một công ty trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc, đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 10/2019, khiến cho công ty không thể mua công nghệ do Mỹ sản xuất.
Nhưng theo Doranda Doo, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty “những rào cản này có thể không ảnh hưởng nhiều đến tham vọng toàn cầu của iFlytek”.
Ông Doo nói rằng: “Chúng tôi đã tích cực bàn bạc về các chiến lược ở nước ngoài, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và New Zealand. Sự phát triển của chúng tôi sẽ không ngừng lại.”
Thùy Dung
Theo CNBC