Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang

(Dân trí) - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có sự tham gia của 10 quốc gia Asean cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ

Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang - 1
Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia sẽ tham gia Hiệp định.

Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để ký kết thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất thế giới, được ca ngợi là một thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất ở Châu Á, trước khi kết thúc năm 2019, bằng cách tập hợp các đại biểu từ 16 quốc gia mà không bao gồm Hoa Kỳ.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có sự tham gia của 10 quốc gia Asean gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào, cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ .

Bắc Kinh chính thức khẳng định đây là thỏa thuận do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) dẫn đầu và Trung Quốc chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong việc lên kế hoạch chủ yếu tập trung vào cắt giảm thuế và cải thiện việc tiếp cận thị trường, cho các dịch vụ và đầu tư trên toàn khu vực.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen, trong một bài phát biểu trước các đại biểu thương mại vào thứ Sáu tuần trước tại trung tâm thành phố Trịnh Châu, cho biết "RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất ở Đông Á".

Ông nói thêm rằng: “Tất cả những quốc gia tham gia nên tận dụng tối đa động lực và đẩy nhanh tiến độ vào thời điểm này để có một thỏa thuận chính thức vào cuối năm nay”, theo một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Những lời động viên lạc quan từ Wang diễn ra một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, Gao Feng nói rằng, các cuộc đàm phán RCEP đã đạt được nhiều tiến bộ tích cực trong năm nay và có khả năng sẽ hoàn thành một văn bản dự thảo trong năm 2019.

Trung Quốc hiện đang tổ chức 10 ngày đàm phán làm việc RCEP, hội nghị diễn ra ngay sau cuộc gặp của các bộ trưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc tuần vừa rồi. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại RCEP, với sự tham gia của các quốc gia chiếm khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới, kể từ khi bắt đầu có các cuộc thảo luận vào năm 2012.

Hiệp định, đã bị trì hoãn nhiều lần, do các thành viên không đạt được thỏa thuận cuối cùng trong 26 vòng đàm phán trước đó. Chẳng hạn, Ấn Độ đã có mối lo ngại về rủi ro mà Hiệp ước sẽ gây ra cho nền kinh tế của nước này nếu nó dẫn đến việc loại bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Cũng có những lời kêu gọi rộng rãi rằng các biện pháp bảo vệ môi trường và chính sách lao động tốt hơn nên được đưa vào thỏa thuận. Những vấn đề thường gây tranh cãi, cũng như sở hữu trí tuệ, luồng thông tin miễn phí và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, không có nhiều trong thỏa thuận.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP vào tháng 1 năm 2017, áp lực buộc Trung Quốc phải ký hiệp ước thương mại khu vực đã giảm bớt phần nào, tuy nhiên, việc bắt đầu cuộc chiến thương mại một năm trước đã mang lại cho Bắc Kinh động lực thúc đẩy một thỏa thuận thương mại khu vực.

RCEP có thể giúp Bắc Kinh quản lý tác động của thuế quan Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc và bảo vệ vai trò của quốc gia này trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị suy giảm.

Thùy Dung

Theo Scmp