Thùng tiền lẻ hôi tanh gầm giường, chị bán cá khiến chồng ngã ngửa

Cuối ngày, những đồng tiền lẻ 10.000 đồng, 20.000 đồng dính cả nước bẩn, dây mùi cá hôi tanh được chị hàng cá lọc ra, đút riêng vào chiếc thùng sơn ở dưới gầm giường, coi như tiền tiết kiệm. Sau 5 năm trời đều đặn như thế, từ thùng tiền lẻ bốc mùi khó ngửi, chị đã có trong tay cuốn sổ tiết kiệm trị giá gần 400 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hường ở Cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, hai vợ chồng chị đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội học đại học. Tốt nghiệp, chồng chị xin vào làm tại một viện nghiên cứu, lương hiện là 5,5 triệu đồng/tháng. Còn chị, sau một năm trời vác hồ sơ đi rải khắp nơi mà không nơi nào gọi, quá nản, chị đành bỏ ngang, ra chợ đi buôn bán cá kiếm tiền sống qua ngày.

Lúc đầu, chị nghĩ chỉ buôn bán tạm bợ thôi, khi có cơ hội sẽ đi làm đúng nghề mình học. Nhưng rồi bầu bí, sinh con đẻ cái, bận chăm con mà chẳng nhờ được ai, thế nên chị quyết định gắn luôn với cái nghiệp buôn cá này.

Vì thế, chị bắt đầu tính toán, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể từ khoản thu nhập của hai vợ chồng để mua một căn hộ chung cư ở Hà Nội.


Chỉ tiết kiệm những đồng tiền lẻ 10.000-20.000 đồng mà sau hơn 5 năm, chị Hường đã có trong tay cuốn sổ tiết kiệm 400 triệu đồng

Chỉ tiết kiệm những đồng tiền lẻ 10.000-20.000 đồng mà sau hơn 5 năm, chị Hường đã có trong tay cuốn sổ tiết kiệm 400 triệu đồng

Theo đó, lương hàng tháng của chồng chị vừa đủ để trả tiền học cho con, tiền thuê nhà, tiền xăng xe và tiền tiêu vặt của chồng.

Những khoản chi tiêu sinh hoạt khác, như: tiền ăn hàng ngày, tiền điện, nước rồi tiền hiếu hỉ, tiền thuốc thang bệnh tật khi ốm đau đều dựa vào khoản chị kiếm được. Số còn lại dư ra chị mới dành để tiết kiệm.

Chị Hường kể, sáng nào chị cũng dậy từ 3 giờ sáng, phóng xe máy ra chợ Yên Sở nhập cá về bán. Mỗi hôm, chị nhập khoảng 50-70kg cá các loại, như chép, trôi, rô phi, trắm, mè,... chở về chợ gần nhà bán.

Bán hết, chị nhặt những đồng chẵn bỏ riêng (tiền gốc), còn tiền lẻ chị để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tiền thừa ra thì chị đem về đút vào chiếc thùng sơn ở dưới gầm giường.

“Tôi đút toàn tiền lẻ mệnh giá 10.000, 20.000, mỗi hôm một ít tùy theo số tiền kiếm được. Hôm nào dư nhiều thì đút nhiều, dư ít thì đút ít. Nhưng ngày ít nhất cũng được tầm 100.000, không thì 150.000 đồng, ngày kiếm được thì 200.000 đồng. Cứ tích đầy vào đó, đến cuối năm lôi chiếc thùng sơn ra đếm xem được bao nhiêu rồi gửi tiết kiệm”, chị Hường kể.

Cuối năm, khi lôi thùng tiền lẻ ra đếm, chị luôn phải bịt khẩu trang bởi thùng tiền bốc mùi rất khó ngửi.

Bởi, tiền bán cá dính đầy nước bẩn, dây mùi cá và để lâu ngày cũng bốc mùi hôi tanh. Song, cứ nghĩ đến thùng tiền lẻ mấy chục triệu đồng chị lại tặc lưỡi vui vẻ, bởi tiền nào cũng là tiền. Nhờ đó, ước mơ mua nhà Hà Nội của chị sắp thành hiện thực.

Tích cóp trong vòng 5 năm, cứ mỗi năm được trên dưới 50 triệu, chị đã có 250 triệu gửi ngân hàng. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5 vừa rồi, thấy giá vàng bất ngờ xuống 33 triệu đồng/lượng, chị quyết định rút toàn bộ tiền gốc và tiền lãi trước đó đã gửi ngân hàng đem đi mua 8 cây vàng, chờ giá lên rồi bán kiếm lời.

Đến đầu tháng 7, vừa hay tin vàng bất ngờ tăng vọt lên 40 triệu đồng/lượng, chị gửi vội chậu cá ở chợ cho hàng quen rồi ôm hết số vàng mình có đi bán. Tổng cộng, chị có trong tay gần 320 triệu đồng. Tính ra, chị lãi được thêm 56 triệu đồng chỉ trong vòng 2 tháng.

Sang tháng 8, chị quyết định đem toàn bộ 320 triệu, cộng với thùng tiền lẻ 60 triệu tiết kiệm từ đầu năm nhờ buôn bán khấm khá hơn, gửi ngân hàng cả thể để lấy lãi.

“Các cụ bảo năng nhặt chặt bị không sai chút nào. Sau hơn 5 năm ki cóp từng đồng lẻ, tôi đã có cuốn sổ tiết kiệm trị giá gần 400 triệu đồng, đạt hơn 1 nửa kế hoạch mua căn hộ chung cư giá rẻ. Hy vọng cứ đà này, hai năm nữa, vợ chồng tôi sẽ mua được nhà”, chị khoe.

"Mình cất tiền chồng cũng biết, nhưng toàn tiền lẻ lại để trong cái thùng sơn hớ hênh nên anh ấy cũng chẳng quan tâm mấy. Chỉ đến khi gom được 400 triệu thì chính anh áy cũng bất ngờ, ngã ngửa với cách tiết kiệm hiệu quả của vợ. Điều đó khiến mình thêm vui", chị Hường nói.

Theo Lưu Minh
VietnamNet